Oscar lần thứ 82: The Hurt Locker thắng lớn

Cập nhật: 08-03-2010 | 00:00:00

Bộ phim The Hurt Locker đã thắng lớn tại giải Oscar lần thứ 82 vừa diễn ra sáng nay (8-3, giờ VN) tại nhà hát Kodak (Los Angeles, Mỹ) với 5 giải, trong đó có 2 giải quan trọng nhất: Phim hay nhất và giải đạo diễn xuất sắc nhất.

 

Sandra Bullock lên đỉnh vinh quang chỉ một ngày sau khi buồn rầu với giải "Mâm xôi vàng"

Ngoài ra The Hurt Locker còn nhận thêm một số giải phụ như: Hòa âm xuất sắc nhất, Dựng âm thanh xuất sắc nhất.

 

The Hurt Locker là bộ phim thứ 8 của Kathryn Bigelow và cũng là bộ phim giúp bà tỏa sáng khi chiến thắng tại giải Oscar 2010.

 

Bà trở thành đạo diễn nữ thứ 4 được đề cử trong lịch sử giải Oscar và trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được tượng vàng Oscar.

 

Nhà biên kịch Mark Boal và đạo diễn Kathryn Bigelow đã làm một bộ phim độc nhất vô nhị về chiến tranh. Nhiều bộ phim thường bắt đầu bằng những câu trích dẫn đầy chất thơ nhưng The Hurt Locker mở đầu bằng một câu thật trần trụi "chiến tranh là ma túy".

 

Bộ phim là câu chuyện xung quanh chuyên viên tháo gỡ bom mìn trong cuộc chiến Iraq William James. Với anh, gỡ bom mìn như một cuộc phẫu thuật: tỉ mỉ, cẩn trọng, khéo léo và đầy say mê.

 

Không có đổ máu nhiều, không có chết chóc nhiều nhưng The Hurt Locker, như một bộ phim tài liệu, đã phán ánh được sự hoang tàn, khốc liệt và vô nghĩa của chiến tranh.

 

Bộ phim Up in the air với vô số giải thưởng đã nhận được  trước Oscar và cũng nhận được tới 4 đề cử Oscar, nhưng đã phải ra tay trắng.

 

Bộ phim nhận được nhiều đề cử nhất tại giải Oscar lần thứ 82 - bộ phim The Hurt Locker còn nhận được giải thưởng ở hạng mục "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" dành cho nhà biên kịch Mark Boal. Mark Boal là một phóng viên mới 37 tuổi. Chính những ngày tháng làm phóng viên chiến trường trong cuộc chiến Iraq, đã giúp cho anh viết nên kịch bản The Hurt Locker.

 

Như vậy bộ phim độc lập có kinh phí thấp này của Kathryn Bigelow đã đánh bại bộ phim bom tấn Avatar của chồng cũ của cô là đạo diễn tài ba James Cameron.

 

Trong khi đó giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Jeff Bridges trong phim Crazy Heart. Đây là đề cử Oscar lần thứ 5 của Jeff Bridges, một diễn viên gạo cội đầy tài năng. Năm nay vinh quang đã đến với ông nhờ vai diễn Bad Blake trong phim Crazy Heart. Vai diễn Bad Blake là một ca sĩ nhạc đồng quê nghiện rượu với những cuộc hôn nhân tan vỡ... Trước đó, vai diễn này đã giúp ông nhận giải Quả cầu vàng, giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Mỹ...

 

Jeff Bridges sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật khi có mẹ là nhà văn, diễn viên Dorothy Bridges và cha là nam diễn viên Lloyd Bridges. Ngoài diễn xuất, Jeff Bridges còn là một nhạc sĩ, họa sĩ tranh biếm họa và nhà nhiếp ảnh. Những bộ phim mà ông tham gia có The Last Picture Show, Thunderbolt and Lightfoot, Tron, Starman, The Fabulous Baker Boys, The Fisher King, Fearless, The Big Lebowski, The Contender, Iron Man...

 

Nữ diễn viên chính xuất được trao cho diễn viên Sandra Bullock trong phim The blind side. Với chiến thắng này, cô đã tạo nên lịch sử giải Oscar khi một diễn viên vừa nhận giải "Mâm xôi vàng" cho giải nữ diễn viên diễn xuất tệ nhất (vừa được trao ngày hôm qua với phim All about Steve) vừa nhận giải "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" của giải Oscar.

 Giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" được trao cho Christoph Waltz trong phim Inglourious Basterds của đạo diễn đầy cá tính Quentin Tarantino. Christoph Waltz từng chiến thắng giải BAFTA, giải Quả cầu vàng, giải của Hiệp hội diễn viên Mỹ. Đây là lần đầu tiên nam diễn viên người Áo này nhận được giải Oscar.

 

Bộ phim bom tấn đứng đầu đề cử giải Oscar 2010 - Avatar chỉ  nhận được ba giải phụ: giải "Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất", "Quay phim xuất sắc nhất" và "Kỹ xảo xuất sắc nhất".

 

Ở hạng mục nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất được trao cho Mo'Nique trong vai người mẹ tàn nhẫn và bạo lực ngay với chính con gái của mình. Đây là lần đầu tiên cô được đề cử giải Oscar và cũng là lần đầu tiên cô đoạt được giải Oscar. Nữ diễn viên hài này đã từng giành được rất nhiều giải thưởng trong hạng mục này trước đó như giải phim độc lập Spirit, giải của Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc gia Mỹ, Quả cầu vàng, giải của Hiệp hội diễn viên Mỹ, giải BAFTA ...

 

Bộ phim Precious còn nhận được giải "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất" dành cho tác giả Geoffrey Fletcher. Bộ phim là câu chuyên đau thương của cô bé 16 tuổi Precious sống ở khu ổ chuột Harlem (Mỹ), thất học, nghèo khó, béo phì, bị bạo hành bởi chính mẹ ruột của mình và bị cha dượng cưỡng hiếp...

 

Một trong hạng mục quan trọng khác của giải Oscar là phim hoạt hình xuất sắc nhất đã trao cho Up (Vút bay) của đạo diễn Pete Docter và Bob Peterson. Đây là kết quả không bất ngờ chút nào khi trước đó bộ phim này với những thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu, tình bạn và ước mơ đã được khán giả và nhiều nhà phê bình phìm dự đoán là sẽ chiến thắng.

 

Một bất ngờ nữa là ở hạng mục phim nước ngoài hay nhất đã không về tay hai bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trong các giải tiền Oscar: Aprophet của Pháp và The white Ribbon của Đức mà rơi vào tay bộ phim The Secret in Their Eyes (El Secreto de Sus Ojos) của đạo diễn Argentina - Juan José Campanella.

 

Danh sách giải thưởng Oscar lần thứ 82

Phim hay nhất: The Hurt Locker

Đạo diễn xuất sắc nhất: Kathryn Bigelow

Kịch bản gốc hay nhất: Mark Boal (The Hurt Locker)

Kịch bản chuyển thể hay nhất: Geoffrey Fletcher (Precious)

Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Jeff Bridges

Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Sandra Bullock

Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Christoph Waltz (Inglourious Basterds)

Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Mo'Nique (Precious)

Quay phim xuất sắc nhất: Mauro Fiore (Avatar)

Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất: Rick Carter, Robert Stromberg, Kim Sinclair (Avatar)

Nhạc phim hay nhất: Michael Giacchino (Up)

Ca khúc trong phim hay nhất: The weary kind (Crazy heart)

Thiết kế trang phục: Sandy Powell (The Young Victoria)

Dựng phim: Bob Murawski và Chris Innis (The Hurt Locker)

Hóa trang: Star Trek

Hòa âm: Paul N.J. Ottosson, Ray Beckett (The Hurt Locker)

Dựng âm thanh: Paul N.J. Ottosson (The Hurt Locker)

Kỹ xảo: Avatar

Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất: The Secret in Their Eyes (Juan José Campanella)

Phim hoạt hình hay nhất: Up

Phim hoạt hình ngắn: Logorama

Phim tài liệu hay nhất: The Cove - của Louie Psihoyos và Fisher Stevens

Phim tài liệu ngắn hay nhất: Music by prudence

Phim ngắn: The New Tenants

THEO TUỔI TRẺ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên