PCI của Bình Dương: Nhìn từ thu hút đầu tư nước ngoài
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Trong 3 tháng đầu năm 2016, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 581 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gồm 38 dự án mới và 22 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm; trong đó 88% dự án đầu tư vào các khu công nghiệp. Lũy kế đến nay, vốn FDI đăng ký vào tỉnh đạt hơn 24 tỷ USD; Bình Dương là một trong 5 tỉnh, thành của cả nước có vốn FDI vượt mốc 20 tỷ USD. Kết quả trên cho thấy, Bình Dương là địa phương luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
(BDO)
Những năm qua, Bình Dương luôn là một trong những tỉnh, thành trong cả nước thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty NewChoice Foods, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II
Tăng nhẹ nhưng chất lượng
Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X (mở rộng) mới đây, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, năm nay việc đánh giá PCI gần như là rõ nhất so với nhiều năm qua. Chúng ta có 8 điểm tốt, 2 điểm chưa tốt. Tuy vậy, việc áp dụng “một dấu một cửa” tại Trung tâm Hành chính của tỉnh vẫn chưa chuyên nghiệp, mặc dù chúng ta có quyết tâm rất cao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng ở cấp huyện chỉ đạo chưa tốt; lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt, có nhiều sáng kiến nhưng ở các sở, ngành chuyển động còn chậm. Từ kết quả PCI vừa công bố, chúng ta phải phấn đấu, phải nhìn thấy “gót chân Achilles” để cố gắng hơn nữa, chứ không thể hài lòng với chính mình. TRÍ DŨNG |
Vừa qua, tại Hội nghị Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với VCCI tổ chức, các đại biểu trong và ngoài nước đã đánh giá rất cao những nỗ lực của tỉnh nhà trong việc cải thiện PCI. Bằng chứng rõ nét nhất chính là Bình Dương vẫn là nơi mà dòng vốn FDI đổ về thuộc top đầu của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề mà Bình Dương cần quan tâm là xu thế hội nhập trước sân chơi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại hội nghị, đại diện VCCI chia sẻ, mặc dù thứ hạng không cao nhưng Bình Dương đã nỗ lực trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch... Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hợp tác lâu dài với địa phương.
Để nâng cao PCI, từ năm 2013, UBND tỉnh đã xây dựng và quyết tâm thực hiện Đề án nâng cao PCI của tỉnh. Đây chính là đề án thể hiện tính năng động, tiên phong mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất của lãnh đạo tỉnh; đồng thời là một trong 9 mục tiêu chấm điểm PCI, cũng là giải pháp trọng tâm mà Bình Dương đang hướng tới. Hiện nay, việc cải thiện PCI đang được Bình Dương thực hiện khẩn trương và quyết liệt nhằm mang lại môi trường đầu tư, làm việc thông thoáng cho doanh nghiệp, qua đó tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đây là cái đích lớn nhất, chứ không chỉ là chuyện thứ hạng đơn thuần.
Tại Hội nghị Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại, các đại biểu đã đánh giá những tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, cùng với đó là những khuyến nghị giúp địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về những vấn đề tỉnh Bình Dương cần lưu ý để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc phân tích các chỉ số trong PCI và các khảo sát về thuế, hải quan.
Theo ông Nestor Scherbey, Cố vấn cao cấp của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (VTFA), TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có tác động lớn đến thu hút đầu tư. Hoạt động thương mại trong thế kỷ XXI đòi hỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp để lưu chuyển hàng hóa trung gian và hàng thành phẩm đi khắp nơi trên thế giới.
Chuẩn bị cho sân chơi hội nhập
Theo đại diện VCCI, việc cạnh tranh PCI đang diễn ra ở tầm quốc gia và châu lục. Chính vì thế, ngay trong nước, việc các tỉnh, thành nỗ lực cải thiện PCI là việc làm hết sức cần thiết nhằm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quốc gia.
Hiện nay, tại ASEAN, Việt Nam xếp hạng thứ 7 về năng lực cạnh tranh, chỉ hơn các nước Lào, Campuchia và Myanmar. Đối với các thành viên trong TPP, Việt Nam xếp hạng cuối cùng về năng lực cạnh tranh; riêng về cơ sở hạ tầng Việt Nam chỉ hơn Peru và xếp cuối bảng về công nghệ. Đây là điều mà tất cả tỉnh, thành cùng quan tâm để tự cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nhất là khi quá trình hội nhập đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay. Lợi thế hiện tại của Việt Nam chính là có 65% dân số dưới 35 tuổi, 78% dân số trên 15 tuổi tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 là 98,25%; trong khi đó mức lương tối thiểu bình quân dưới 140 USD/người/tháng.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Bình Dương, các chuyên gia cho rằng, “giỏ hàng” xuất khẩu của địa phương này đang ngày một đa dạng về chủng loại cũng như chất lượng, sẽ không ngạc nhiên khi Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn của cả nước. Để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập lâu dài, Bình Dương đã ký kết hợp tác với VCCI, trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Tổ chức nghiên cứu, khảo sát về môi trường kinh doanh tại tỉnh Bình Dương; tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao PCI; VCCI hỗ trợ tỉnh nhà trong việc triển khai, tuyên truyền giới thiệu về tiềm năng kinh tế, triển vọng đầu tư, thương mại của tỉnh đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, VCCI sẽ cùng với Liên minh Tạo thuận lợi hóa thương mại Việt Nam phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan của tỉnh để lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại tỉnh về các chính sách, quy định, thủ tục hành chính của Trung ương và địa phương nhằm không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh nhà. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội liên quan tại tỉnh Bình Dương tổ chức định kỳ 6 tháng/lần về hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, các sở, ngành của tỉnh Bình Dương hỗ trợ VCCI triển khai các dự án hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án, chia sẻ về tình hình thực tế tại địa phương và những kinh nghiệm/thực hành tốt của dự án một cách rộng rãi. VCCI phối hợp nghiên cứu thị trường, những kỹ năng cần thiết để có sản phẩm thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế đối với thị trường toàn cầu; cùng với đó tiếp cận các dịch vụ chuyên ngành liên quan đến vấn đề tuân thủ với các tiêu chuẩn thị trường nước ngoài trong thương mại toàn cầu; cũng như triển khai các dự án và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh thương mại điện tử, tìm kiếm thông tin công nghệ mới, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại...
PHÙNG HIẾU