“Luật An toàn vệ sinh lao động lần này phải thể hiện đầy đủ, toàn diện nhất các quy định liên quan đến ATVSLĐ, đồng thời phải phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động và một số văn bản khác, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật…”.
Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn An Lương – Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam - khi chủ trì Hội thảo “Những nội dung cần nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật ATVSLĐ”.
Phạm vi điều chỉnh luật cần mở rộng hơn BLLĐ
Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam được trang bị BHLĐ đầy đủ khi làm việc.Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ VN - PGS-TS Nguyễn An Lương - cho rằng, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ cần được mở rộng hơn so với Bộ luật Lao động (BLLĐ). Theo đó, tất cả NLĐ dù làm việc có quan hệ LĐ hay làm việc tự do để tự nuôi sống bản thân, không có quan hệ LĐ (người làm nghề tự do, cá thể, khu vực phi chính thức, khu vực nông nghiệp...) đều phải là đối tượng điều chỉnh của Luật ATVSLĐ. Các đối tượng đó đều cần được Nhà nước quan tâm cung cấp thông tin, hướng dẫn để họ biết phòng tránh tai nạn, bệnh tật trong khi LĐ, để họ tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
Tất cả các đối tượng nói trên, cả có quan hệ LĐ hoặc không có quan hệ LĐ, khi để xảy ra tai nạn trong lúc làm việc đều được coi là bị TNLĐ và cần được thống kê vào số liệu TNLĐ chung của cả nước. Từ đó Nhà nước mới có cái nhìn bao quát về TNLĐ của nước ta.
Còn phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ cũng rộng hơn, không chỉ đối với con người mà còn đối với cả đối tượng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ và môi trường. Tất cả các tổ chức, cá nhân có quản lý LĐ và tham gia LĐ cũng đều có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ.
Các đại biểu dự hội thảo đều thống nhất rằng: Con người (cụ thể ở đây là NLĐ) là vốn quý nhất của xã hội và cần được bảo vệ. Vì vậy, khi xây dựng Luật ATVSLĐ, cần phải xuyên suốt quan điểm này!
Tăng cường quản lý về ATVSLĐ
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - GS-TS Lê Vân Trình - cho rằng công tác ATVSLĐ luôn gắn liền với sản xuất. Vì vậy phải coi việc thực hiện công tác ATVSLĐ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của người sử dụng LĐ và NLĐ.
Vấn đề xây dựng văn hóa an toàn, ưu tiên và coi trọng biện pháp phòng ngừa, bảo đảm công tác ATVSLĐ gắn liền với công tác bảo vệ môi trường... là những nội dung quan trọng cần đặt ra. Trên cơ sở các quan điểm đó, cần đề ra những chính sách và quy định cụ thể để đưa vào các chương, điều của Luật ATVSLĐ.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận về công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ và vấn đề thanh tra nhà nước về ATVSLĐ khi xây dựng Luật ATVSLĐ. Các đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật ATVSLĐ lần này cần có những quy định một cách tổng quát, toàn diện rõ ràng chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ theo hướng để sao cho phân biệt rõ giữa vai trò quản lý nhà nước (là tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn, điều chỉnh, kiểm tra giám sát mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân để mọi hành vi của họ phải được làm theo đúng quy định của pháp luật về ATVSLĐ) với vai trò, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội.
Đối với công tác thanh tra nhà nước về ATVSLĐ, tuy việc hợp nhất 2 hệ thống thanh tra ATLĐ và VSLĐ thành thanh tra ATVSLĐ là đúng, nhưng để tình trạng hoạt động của thanh tra về ATVSLĐ bị giảm sút chất lượng và hiệu lực như hiện nay và để mất phiên hiệu thanh tra ATVSLĐ có lẽ là một thực trạng cần phải được phân tích và điều chỉnh hợp lý.
Việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật ATVSLĐ của nước ta sẽ diễn ra trong thời gian hơn 2 năm tới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự chủ trì của Bộ LĐTBXH, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Tổng LĐLĐVN và Hội KHKT ATVSLĐ VN. Theo kế hoạch do ban soạn thảo đề ra, sẽ có nhiều nhiệm vụ, phần việc phải hoàn thành tiến tới xây dựng được một bản dự thảo Luật ATVSLĐ hoàn chỉnh, có chất lượng trước khi trình Quốc hội.
Theo Lao Động