Phải dựa vào mức sống thực tế để tính lương

Cập nhật: 27-10-2011 | 00:00:00

Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 26-10, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết: cho dù là người lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp hay cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước thì cơ sở để tính lương phải dựa vào mức sống thực tế.

  Bà Trương Thị Mai

Bà Mai nói:

- Quan điểm của chúng ta là tiền lương phải tính đúng giá cả sức lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bộ luật lao động (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tới đây sẽ có một số điều chỉnh, ví dụ tiền lương phải là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động bao giờ cũng yếu thế hơn và họ khó có cơ sở để xem xét mức tiền lương mà chủ sử dụng lao động đưa ra đã hợp lý, đã đúng giá cả sức lao động hay chưa.

Vì vậy, Bộ luật lao động phải bổ sung một số điều quy định vai trò của Nhà nước trong vấn đề tiền lương, ví dụ như đưa ra cơ chế để thông tin cho người lao động biết tiền lương trong vùng đối với các ngành nghề trong từng giai đoạn như thế nào, từ đó để người lao động có thông tin ký hợp đồng lao động.

 Với mức lương như hiện nay, nhiều công nhân không đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu hằng ngày. Trong ảnh: công nhân đi chợ chiều ở Q.Bình Tân (TP.HCM).

Thứ hai là Nhà nước phải đưa ra những cơ chế để hỗ trợ cho các thỏa thuận, thỏa ước lao động tập thể. Nhà nước phải quy định thang lương, bảng lương để kiểm tra, kiểm soát hoặc Nhà nước phải quy định về cách thức trả lương. Bên cạnh đó Nhà nước sẽ định kỳ công bố tiền lương tối thiểu, tiền lương tối thiểu này được xem như mức sàn tối thiểu, mức sống tối thiểu để người lao động, chủ sử dụng lao động có thể căn cứ vào đó xem xét, thỏa thuận về tiền lương.

Tuy nhiên, quy định về tiền lương tối thiểu phải đảm bảo không để người chủ sử dụng lao động lạm dụng xem đó là lương tham chiếu để quyết định. Hiện nay tình trạng chung đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI, là người ta sử dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu, nếu Nhà nước công bố khoảng 1,9-2 triệu đồng thì doanh nghiệp có thể trả hơn mức đó một chút, nhưng mức lương đó không phải là mức đảm bảo sự công bằng hợp lý đối với người lao động.

- Như vậy việc xác định giá trị thực của sức lao động phải dựa trên cơ sở, tiêu chí nào, thưa bà?

- Như tôi nói ở trên rằng vai trò của Nhà nước ở đây là rất quan trọng. Trong dự thảo luật lần này có đưa ra những quy định là Nhà nước phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động là công đoàn định kỳ hằng tháng, ba tháng, sáu tháng hoặc hằng năm đưa ra các thông tin công khai, minh bạch về tiền lương.

Ví dụ vùng Đông Nam bộ hiện nay mức lương cho ngành dệt may đang khoảng 4 triệu, 5 triệu là hợp lý thì đó được xem như lương mẫu. Trên cơ sở đó người lao động có thông tin để biết mức lương người chủ đang trả cho mình đã thật sự hợp lý hay chưa, đúng với thị trường lao động ở khu vực đó hay chưa.

- Có nghĩa là dựa trên cơ sở mức sống thực tế để tính lương?

- Đúng như vậy. Nhà nước phải xác định được cái đó, nếu Nhà nước không làm được và tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp trung ương không làm được thì người lao động rất khó để quyết định mức lương thỏa thuận trong một hợp đồng lao động.

- Nhiều người lo ngại rằng lạm phát cứ tăng cao như vài năm trở lại đây thì rất khó khăn để tính và công bố tiền lương như bà nói?

- Tôi phải nói rằng lâu nay chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta tăng liên tục trong nhiều năm, vì vậy nó làm cho nền kinh tế không ổn định. Nếu bắt đầu từ năm sau mà khi chỉ số giá tiêu dùng quay trở lại một con số như mục tiêu đề ra thì tiền lương hoàn toàn có thể tính toán được và công bố thông tin được.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên