Phải là “cây gậy” pháp lý hữu hiệu cho công đoàn

Cập nhật: 19-06-2012 | 00:00:00

Ngày 20-6 tới, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, điều chỉnh  qua 2 kỳ họp QH sẽ được đưa ra phiên họp toàn thể Quốc hội khóa XIII để biểu quyết, thông qua.

 CNLĐ mong muốn Luật Công đoàn (sửa đổi) thực sự là “cây gậy” pháp lý hữu hiệu để công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện người lao động Việc xác định rõ địa vị pháp lý, vai trò của CĐ trong thể chế chính trị của xã hội VN; quyền và cơ chế đảm bảo để CĐ thực hiện tốt chức năng trong thời kỳ mới, tạo điều kiện phát huy vai trò quan trọng của NLĐ và tổ chức CĐ trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước là những yêu cầu đặt ra cấp thiết trong sửa đổi luật.

Kiên định quan điểm của Đảng và lập trường GCCN

Quyền và trách nhiệm của CĐ là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật CĐ (sửa đổi). Theo từng lĩnh vực hoạt động, quyền và trách nhiệm của CĐ được xây dựng trên cơ sở xác định chức năng của CĐ tại điều 1 của dự thảo luật.

Xuất phát từ vai trò, vị trí, tính chất của CĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân (GCCN) – giai cấp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng CSVN - CĐ không chỉ là tổ chức có chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, mà còn phải đồng thời cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Vì vậy, cần phải kiên định quan điểm của Đảng và lập trường của GCCN, kế thừa khái niệm CĐ trong luật hiện hành và khẳng định CĐ là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, tuyệt đối chống tư tưởng đa đại diện chia rẽ GCCN.

Về nguyên tắc cũng như trong thực tế, vai trò CĐ “đại diện cho NLĐ” là chức năng bẩm sinh và quan trọng nhất của CĐ. Không chỉ riêng cho GCCN và NLĐ, mà với vai trò đại diện, CĐ đã và đang làm tốt “cầu nối” giữa GCCN với Đảng và “chỗ dựa” tin cậy của Nhà nước. Do vậy, rất cần thiết phải hoàn thiện, nâng cao chức năng đại diện của CĐ trong Luật CĐ (sửa đổi). Cần quy định thêm quyền, trách nhiệm của CĐ về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; tăng thêm trách nhiệm của CĐ cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ hoạt động của CĐCS, nhằm giải quyết những khó khăn, hạn chế của CĐCS hiện nay do phải đảm nhiệm quá nhiều công việc, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của CNLĐ trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng ở nước ta.   

Trên thực tế, đội ngũ cán bộ CĐ là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ công tác CĐ do luật pháp quy định và chất lượng hoạt động của mỗi cấp CĐ. Vì vậy, cần phải có chính sách và cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ phù hợp.  Hậu quả của việc thiếu cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ không chuyên trách (số này chiếm tới 95% đội ngũ cán bộ CĐ hiện nay) sẽ làm cho hoạt động CĐ yếu đi và quan hệ LĐ sẽ lâm vào tình trạng bất ổn. Vai trò của CĐ cấp trên cơ sở cũng rất quan trọng và cần trao quyền nhiều hơn cho CĐ cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS để giải quyết vướng mắc trong hoạt động,  nhất là việc giải quyết tranh chấp LĐ và đình công.

Tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động CĐ

Khẳng định tính nhất quán về vai trò và vị trí của CĐ trong thể chế chính trị của xã hội VN, quy định trong luật phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho CĐ hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội. Cần phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị, DN đối với tổ chức và hoạt động của CĐ, nhất là vấn đề đảm bảo kinh phí cho CĐ hoạt động.

Việc người sử dụng LĐ trích nộp kinh phí 2% tổng quỹ lương thực trả cho NLĐ để CĐ hoạt động, cần được xem như là một khoản đầu tư cho nguồn nhân lực, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả SXKD và trên hết là cho sự phát triển bền vững của DN. Người sử dụng LĐ, NLĐ và tổ chức đại diện cho NLĐ là CĐ phải cùng đồng hành, chèo lái con thuyền chung đi tới đích là sự phát triển của DN và nền kinh tế đất nước.

Nguồn thu kinh phí CĐ bằng 2% quỹ lương đã trải qua hơn 50 năm thực hiện, đang phát huy tốt tác dụng và hiệu quả to lớn trong việc bảo đảm điều kiện cho CĐ tổ chức các hoạt động, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ và thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó cho tổ chức CĐ, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.

Chính vì vậy, trong sửa đổi Luật CĐ, việc quy định trong luật đảm bảo được nguồn kinh phí cho CĐ hoạt động, sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng tổ chức CĐ và giai cấp công nhân vững mạnh. Điều đó hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.   

Nội dung Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng cần xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật CĐ; trách nhiệm của đơn vị, DN trong hợp tác, tạo điều kiện cho CĐ hoạt động theo quy định của pháp luật. Đây là điều hết sức quan trọng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CĐ và bảo vệ pháp chế XHCN. 

Theo Lao Động

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên