Phản ánh của ông Nguyễn Thụy, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát: “Đòi nợ cũng phải theo quy định pháp luật”

Cập nhật: 14-01-2014 | 00:00:00

   Bức tường trước nhà ông Thụy bị chủ nợ xịt sơn vẽ bậy khắp nơi

 Vụ việc trên diễn ra cách nay hơn 2 tuần và ông Thụy cũng đã gửi đơn tố cáo, kêu cứu nhiều nơi với mong muốn các cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý bà L. theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời buộc bà L. phải khắc phục hậu quả bằng cách xóa bỏ, sơn lại sạch sẽ các bức tường của nhà ông; do trước đó, bà L. cùng một số người dùng sơn xịt, vẽ bậy trên tường để… đòi nợ! Bày tỏ nỗi bức xúc với P.V, ông Thụy cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên mà bà L. gây áp lực cho gia đình tôi, mà cách đây không lâu bà ta cũng đã cho 3 xe ô tô đậu chắn ngang cổng ra vào nhà tôi để đòi nợ và 2 ngày sau mới chịu rút đi. Nghiêm trọng hơn, từ ngày 19 đến 31-12-2013, bà L. cùng một số người đưa cả ô tô tải đến đậu trước nhà tôi và ngang nhiên cho lập bàn thờ, đốt nhang, mở đĩa tụng kinh gõ mõ suốt cả ngày lẫn đêm gây xáo trộn sinh hoạt của gia đình tôi…”!?

Theo ghi nhận của P.V, các mảng tường trước nhà ông Thụy, phía mặt tiền quốc lộ 13 bị sơn xịt, viết chữ chiếm khoảng 40m2, khiến người dân qua lại ai cũng ngạc nhiên, bàn tán. Thực tế vụ việc này diễn ra đã hơn 2 tuần qua nhưng hiện vẫn chưa xử lý dứt điểm, buộc phía bà L. phải khắc phục hậu quả; cho dù bà L. đã thừa nhận chính gia đình bà thực hiện hành vi xịt sơn lên tường nhà ông Thụy để… đòi nợ! Riêng hành vi lập bàn thờ rồi đốt nhang và mở đĩa tụng kinh ngày đêm trước nhà ông Thụy thì chính quyền địa phương đã yêu cầu bà L. chấm dứt vào ngày 31-12.

Theo khoản 4 Điều 66, Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ thì Trưởng Công an cấp huyện có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 8 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Trong vụ việc này, Trưởng Công an huyện Bến Cát - nơi đang thụ lý hồ sơ có quyền ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà L. là đúng quy định của pháp luật. Nếu sau khi bị xử phạt hành chính, dù với hình thức nhẹ nhất là cảnh cáo, nhưng chủ nợ vẫn tái diễn một trong các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Mục 1, Chương 2 Nghị định 167 thì đã phạm tội và khi đó cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố chủ nợ về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 BLHS - Luật sư Hoàng Minh Quang cho biết thêm.

Căn cứ vào nội dung của giấy xác nhận nợ được lập vào ngày 28-6-2013 giữa bà N.T.H, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đ.H và bà N.T.L, cho thấy: Qua quá trình mua bán, đến nay phía Công ty Đ.H còn thiếu nợ bà N.T.L với số tiền là 5.534.266.000 đồng. Do Công ty Đ.H đang gặp khó khăn nên 2 bên đã thống nhất: đến mùa tiêu năm 2014 (khoảng tháng 5-2014 - P.V) Công ty Đ.H sẽ khắc phục và tiếp tục thanh toán khoản nợ cho bà L.

Việc thỏa thuận số tiền nợ giữa hai bên đã được lập thành văn bản hẳn hoi và cho dù chưa đến hạn trả nợ như cam kết nhưng phía bà L. lại sử dụng “độc chiêu” để đòi nợ vô cùng phản cảm như trên. Lý giải với nhiều cơ quan báo chí về hành vi đòi nợ khó coi của mình, bà L. cho biết: do bà cũng bị nhiều chủ nợ vây nhà đòi quyết liệt nên bà không còn cách nào khác...

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, luật sư Hoàng Minh Quang, bày tỏ quan điểm: Thiếu nợ thì phải trả, đó là nguyên tắc và việc đòi nợ cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Do đó, hành vi tụ tập đông người để la ó, xịt sơn lên tường đòi nợ, tụng kinh gõ mõ… nhằm khủng bố tinh thần “con nợ”; theo như cách đòi nợ của bà L. mà báo chí đã phản ánh thì đó là vi phạm pháp luật. Luật sư Quang, nhấn mạnh: “Nếu chủ nợ đòi nợ theo cách trên thì gây mất trật tự trị an, vừa ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của công dân đã được pháp luật bảo vệ.

Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi trong những trường hợp cụ thể mà chủ nợ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Theo quy định tại điều 245 BLHS, chủ nợ sẽ bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Trường hợp chưa đủ dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Như vậy, với những hành vi của bà L. nêu trên thì rõ ràng là vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, luật sư Quang chia sẻ thêm. Cũng theo ông thì hành vi vi phạm hành chính của bà L. được quy định tại điểm a, d Điều 5; điểm a Điều 6 Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ và có mức phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng cho mỗi hành vi. Trong đó, hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất của bà L. là sơn xịt, vẽ viết và bôi bẩn lên các bức tường nhà ông Thụy có mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (tức là phải xóa bỏ, lau chùi làm sạch các vết hoen bẩn) theo quy định tại khoản 2 và 3, Điều 7 Nghị định 167 ngày 12- 11-2013 của Chính phủ. Trường hợp cơ quan công an không xử phạt hành chính đối với hành vi của bà L. thì ông Thụy có quyền khiếu nại theo Luật Khiếu nại và Tố cáo theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, Công an xã Lai Uyên, huyện Bến Cát xác nhận với P.V: hiện vụ việc này đã được Công an xã lập hồ sơ chuyển lên Công an huyện thụ lý giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc về kết quả xử lý.

 HOÀNG HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên