Phần các tội phạm về chức vụ

Cập nhật: 14-12-2019 | 08:29:28
 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

 (tiếp theo)

 2. Tội đưa hối lộ

(Điều 354)

Đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.

Tội đưa hối lộ xâm hại đến quan hệ xã hội bảo đảm cho uy tín và hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm không chỉ là hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước mà cả hoạt động thực hiện nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn ở khu vực ngoài Nhà nước, cũng như hoạt động đó của công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công. Người thực hiện tội đưa hối lộ là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên với lỗi cố ý.

Tội đưa hối lộ đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể diễn ra trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa. Đối với trường hợp đưa của hối lộ sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa, giữa người nhận và người đưa phải có sự thỏa thuận về của hối lộ và việc làm hoặc không làm vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Hành vi đưa của hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian, của hối lộ có thể được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác, tổ chức khác theo ý chí của người có chức vụ, quyền hạn. Của hối lộ có thể là các lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc có thể là lợi ích phi vật chất như lợi ích về tinh thần, về tình cảm, tình dục... Người đưa hối lộ có thể được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào như nấp dưới danh nghĩa; quà tặng, thăm hỏi, hiếu hỉ… Hành vi đưa hối lộ chỉ là tội phạm khi của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Đối với trường hợp đưa lợi ích phi vật chất, việc xác định giá trị của lợi ích không có tính bắt buộc.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định điều kiện xác định vô tội đối với hành vi đưa hối lộ và những điều kiện miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đưa hối lộ: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. Theo đó, để bảo đảm chính sách hình sự khoan hồng đối với người do bị ép buộc phải đưa hối lộ, phải thỏa mãn hai điều kiện: Việc đưa hối lộ không xuất phát từ ý muốn của người đưa mà do họ bị ép buộc; người đưa hối lộ đã tự quyết định khai báo trước khi bị phát giác, mà không chịu bất kỳ một áp lực nào từ phía người khác. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự còn quy định: Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định về tội đưa hối lộ.

Về hình phạt, có 4 khung hình phạt chính. Khung 1, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, đối với người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; lợi ích phi vật chất. Khung 2, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, đối với một trong các trường hợp: Có tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khung 3, phạt tù từ 7 năm đến 12 năm, đối với trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Khung 4, phạt từ tù 12 năm đến 20 năm đối với trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.   

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên