Phân cấp ngân sách: Các địa phương cần chủ động hơn

Cập nhật: 04-11-2010 | 00:00:00

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình phân cấp thực hiện ngân sách (NS) địa phương giai đoạn 2008-2010. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, phân cấp NS, bên cạnh việc tạo ra những thuận lợi và sự chủ động cho địa phương nhưng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới nhằm tạo ra sự chủ động hơn cho phía địa phương.

Đánh giá về kết quả thực hiện phân cấp NS thời gian qua, ông Phạm Văn Hảo, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, việc phân cấp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tạo tính tích cực cho các cấp huyện, xã trong việc khai thác các nguồn thu trên địa bàn để tăng thu NS, nhằm đáp ứng nhu cầu chi của địa phương; hạn chế tối đa sự ỷ lại vào NS cấp trên. Song song đó, việc quản lý và điều hành NS có nhiều tiến bộ, các khoản thu, nhiệm vụ chi năm sau cao hơn năm trước; trình độ quản lý tài chính, NS ngày càng được nâng lên. Ông Hảo cũng cho rằng, qua phân cấp, các địa phương cũng xây dựng NS lành mạnh, việc sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời tăng dần tích lũy để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng... Theo Sở Tài chính, thu NS Nhà nước năm 2008 -2010 từ KT-XH của khối huyện, thị đạt 23.593 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu bình quân là 90%. Các địa phương có tốc độ tăng thu cao như TX.TDM (254%); Thuận An (89%); Dĩ An (72%); Bến Cát (70%)... Chi NS 2008-2010 khối huyện là 9.601 tỷ đồng, tốc độ tăng chi 54%. Các địa phương tăng chi cao là TX.TDM (65%), Dĩ An (60%), Thuận An (58%)...

  Phân cấp ngân sách, địa phương chủ động nguồn thu, tăng tích lũy, đầu tư vào hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc KCN Mỹ Phước I (Bến Cát)

Ở cấp độ địa phương, ông Đặng Minh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Dĩ An nhìn nhận, việc phân cấp NS cho địa phương mang lại lợi ích lớn nhất là sự chủ động được NS, tăng cường thu để bảo đảm chi; trình độ quản lý của cán bộ được nâng cao hơn; làm tốt việc công khai minh bạch giữa các  cấp trong việc phân chia NS. “...Đây là những cái được đáng khích lệ trong công tác phân cấp NS trong thời gian qua...”, ông Hưng nói. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Dĩ An cũng chia sẻ những bất cập trong quá trình thực hiện phân cấp NS. Theo ông Hưng, việc phân cấp NS hiện nay chưa gắn liền với quản lý các nguồn thu. “...Ví dụ có một số nguồn thu do ngành thuế thu và thu mới phát sinh trên địa bàn. Muốn biết được tổng thu NS trên địa bàn là bao nhiêu thì phải qua Cục Thuế mới biết. Cho nên việc đánh giá thu NS gặp khó khăn. Do đó cần phải bảo đảm chế độ thông tin giữa địa phương và ngành thuế trong việc tính toán số liệu thu NS...” - ông Hưng đề nghị.

Đồng quan điểm này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hà cũng nhìn nhận: “Phân cấp mang lại sự chủ động cho các huyện nhưng mối quan hệ ngành thuế với UBND các huyện chưa chặt chẽ. Do đó, công tác quản lý có những hạn chế nhất định. Ví dụ như có khoản thu ngành thuế chưa thu hoặc không thu được thì UBND huyện cũng không nắm được. Vừa qua việc thu các loại thuế như khai thác khoáng sản, tài nguyên môi trường... còn có những thiếu sót...”.

Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND huyện Dĩ An Đặng Minh Hưng, một số hạn chế về năng lực quản lý ở cấp địa phương khi thực hiện phân cấp vẫn còn bộc lộ. “Phân cấp đồng thời cũng tăng thêm trách nhiệm. Yếu tố con người cũng có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công việc. Thời gian qua, do biên chế còn thiếu nên khi thực hiện nhiệm vụ cũng ảnh hưởng, nhất là khi mới bước vào thực hiện phân cấp NS, việc vận hành công việc cũng có những lúng túng, bị động nhất định...”. Điều này có thể dẫn đến việc chưa sát sao hoặc chưa quản lý hết các nguồn thu mới phát sinh, gây thất thu NS Nhà nước...

Ông Phạm Văn Hảo, cũng đúc rút những hạn chế:  Phân cấp NS nhưng chưa gắn với phân cấp quản lý. Các nguồn thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, môn bài, tài nguyên, tiền cho thuê đất từ các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, địa phương, do Cục Thuế trực tiếp quản lý và thu thuế. Thuế ngoài quốc doanh, Cục Thuế quản lý và trực tiếp thu đối với các doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỷ đồng, còn lại do chi cục thuế các huyện, thị quản lý, thu. Do đó, việc theo dõi số thu, đôn đốc thu... gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch, kế toán, điều hành NS của huyện, thị và cấp xã...

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hà, trong việc chi NS, các huyện thường phải chi thêm ngoài biên chế, do đó cần tính toán thêm về tỷ lệ nguồn thu tạo ra sự chủ động hơn để bảo đảm nguồn chi. Các huyện cần chủ động hơn trong việc thu chi NS đã được phân cấp; đồng thời phải gắn liến với tổ chức bộ máy... Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thị cần xem xét đánh giá toàn diện để từ đó thực hiện phân cấp NS tốt hơn, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, hợp lý.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên