Phấn đấu về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 23-06-2011 | 00:00:00

Điều dễ nhận thấy về sự “thay da” của An Sơn chính là những tuyến đường giao thông vươn dài đến từng ấp. Những con đường vừa mới trải nhựa tuy không rộng thênh thang nhưng luôn tạo cảm giác an toàn vì người và xe tham gia giao thông trật tự, nề nếp. Đi sâu vào các ấp là những tuyến đường nhỏ hơn, uốn mình theo những hàng cau, vườn cây măng cụt... tạo nên một không gian làng quê đẹp như tranh vẽ.

 Nhiều tuyến đường trong xã đã và đang được nhựa hóa Anh Dương, cán bộ địa chính - nông nghiệp của xã phải mất gần 2 giờ đồng hồ vẫn chưa dẫn chúng tôi đi hết những con đường dọc ngang trong các ấp. Xã cũng vừa mới đưa vào sử dụng đường AS31 với tổng kinh phí đầu tư gần 2,8 tỷ đồng. An Sơn còn được hưởng lợi rất lớn từ công trình đê bao An Sơn - Lái Thiêu. Đây là công trình tuy kéo dài nhiều năm nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành. Việc hoàn thành tuyến đê bao này không chỉ giúp ngăn ngừa triều cường từ sông Sài Gòn mà từ đây sẽ mở ra nhiều hướng phát triển nông nghiệp cho người dân trong xã. Điều đó được minh chứng trong mùa măng cụt năm nay khi nhiều xã, phường dọc sông Sài Gòn, trong đó có An Sơn đều được mùa măng cụt một phần do công tác thủy lợi được bảo đảm. Ông Nguyễn Văn Trọ, ở khu A, ấp An Quới phấn khởi, cho biết lâu lắm rồi mới có một mùa măng cụt tốt như năm nay. “Từ khi có tuyến đê bao này bà con ở đây yên tâm đầu tư vào vườn măng. Nếu năm nào cũng như năm này thì người trồng măng sẽ khá...” - ông Trọ nói.

An Sơn hiện có trên 380 ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là diện tích trồng cây lâu năm với trên 375 ha. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã An Sơn lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định, cơ cấu kinh tế của xã là nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ. Như vậy, nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của xã trong thời gian tới. Ông Trần Văn Mười, Bí thứ Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho rằng để kinh tế người dân phát triển thì việc quan trọng nhất hiện nay là tập trung phát triển những cây, con có giá trị kinh tế cao. Ngoài những vườn cây ăn trái sẵn có, xã sẽ định hướng cho bà con phát triển cây kiểng, nuôi cá va nhất là phát triển thương mại dịch vụ, trong đó du lịch sinh thái là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Với lợi thế là những vườn cây ăn trái đặc sản, giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện, nhiều nơi còn giữ được nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam bộ... là điều kiện cơ bản để hình thành những tour du lịch sinh thái hấp dẫn. Ông Mười “bật mí” tháng 7 tới đây, xã sẽ tổ chức hội thi “Duyên dáng miệt vườn”. Các thí sinh sẽ so tài về kỹ năng hái măng cụt, chế biến món ăn (nhanh, rẻ, ngon), thi trang phục áo bà ba và văn nghệ với những bài hát về miệt vườn, về tình yêu quê hương đất nước... Những hoạt động như vậy sẽ cố gắng duy trì để vừa xây dựng nếp sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vừa là một “sản phẩm” nhằm thu hút khách du lịch đến với An Sơn.

Về An Sơn hôm nay, không chỉ thấy màu xanh của những vườn măng cụt mà còn dễ dàng nhận ra sự chuyển động về một quá trình đổi thay trên vùng đất anh hùng. Đó là những tuyến đường trải nhựa phẳng lì, là hệ thống kênh rạch được đầu tư kiên cố. Một cụm kho cảng đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Qua khảo sát mới đây, xã An Sơn đã đạt được trên 2/3 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đó là kết quả của sự thống nhất, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Mười, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, để chủ trương xây dựng NTM thành công, An Sơn phải tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài đồng thời phát huy tốt nội lực, phấn đấu thi đua nhiều hơn nữa nhằm đưa An Sơn sớm trở thành một xã dẫn đầu về xây dựng NTM.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên