Phản hồi sau loạt bài: “Núp bóng giáo dục để trục lợi?”: Cần sớm chấn chỉnh - Kỳ I

Cập nhật: 21-07-2014 | 00:00:00
Kỳ I: Ngành chức năng đã vào cuộc

 Báo Bình Dương ngày 23, 24 và 25-6 đã đăng tải loạt bài: “Núp bóng giáo dục để trục lợi?”. Sau khi loạt bài nói trên được khởi đăng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Phùng Trung cho biết qua nội dung mà báo Bình Dương nêu, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở LĐ- TB&XH tỉnh báo cáo về tình hình hoạt động của Công ty K., để có hướng chỉ đạo, giải quyết...

   Một số học viên trình bày những bức xúc về Công ty K.

 Ngày 9-7-2014, Sở LĐ- TB&XH tỉnh tiến hành làm việc với Công ty K. (gọi tắt là công ty) để nắm tình hình hoạt động hiện nay của doanh nghiệp (DN) có đúng như giấy phép kinh doanh. Đại diện phía DN có Giám đốc điều hành. Căn cứ Công văn số 01/CV-GDTVKNV ngày 30- 6-2014 của công ty, về thực hiện hoạt động kinh doanh sau đăng ký, Sở LĐ-TB&XH tiến hành kiểm tra các điều kiện hoạt động theo giấy mời số 1733/GM-SLTBXH ngày 2-7- 2014 với các nội dung cụ thể như sau:

Về hồ sơ cơ sở vật chất, công ty hợp đồng thuê địa điểm đào tạo không đủ thời gian theo quy định. Mặc dù đã tiến hành đào tạo từ tháng 8-2013 nhưng đến tháng 4 và 6-2014, công ty mới bắt đầu mua trang thiết bị. Ngoài ra, công ty cũng chưa chứng minh được sở hữu bàn, ghế (cơ sở vật chất cơ bản) phục vụ đào tạo. Hồ sơ chương trình, giáo trình, giáo án thì chỉ có đề cương bài giảng môn học kỹ năng giao tiếp, giáo trình kỹ năng nói trước công chúng và giáo trình bộ môn giao tiếp. Thời gian đào tạo theo hợp đồng của công ty là 2 tháng với 25 tiết, trong đó 13 tiết lý thuyết và 12 tiết thực hành. Theo ghi nhận tại buổi làm việc thì công ty chưa có chương trình đào tạo được biên soạn và phê duyệt, chưa có giáo án lên lớp.

Mức thu học phí theo kiểm tra hóa đơn giá trị gia tăng của công ty thì mức thu là 1.815.000 đồng/1 khóa/2 tháng đối với khóa học kỹ năng mềm, nghiệp vụ kỹ năng giao tiếp; nghiệp vụ khởi sự DN; kỹ năng nói trước công chúng. Phía công ty có xuất trình 73 hóa đơn giá trị gia tăng thu học phí của học viên. Danh sách tổng hợp học viên đã và đang đào tạo chỉ có sổ tay học viên và ghi nhận thông tin về họ tên nơi sinh theo tháng. Phía công ty cũng chỉ cung cấp sổ tay học viên. Ngoài ra, công ty chưa thực hiện thêm bất kỳ sổ sách quản lý nào về đào tạo, cấp giấy chứng nhận, giáo viên. Cũng theo trình bày của công ty, những người sau khi học xong nếu được công ty tuyển dụng thì sẽ được công ty hoàn trả lại học phí sau 3 tháng làm việc.

   Hợp đồng đào tạo do học viên cung cấp cho báo Bình Dương . Ảnh: T.VY

Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Nguyễn Phùng Trung cho biết thêm qua buổi làm việc với DN, Sở LĐ- TB&XH vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh với các nội dung cụ thể. Công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh theo giấy phép số 370218… do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp với các ngành nghề kinh doanh: Đào tạo quản lý DN nhỏ, quản lý bán hàng, khởi sự DN và nâng cao năng lực cạnh tranh; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý). Đào tạo tin học, ngoại ngữ, dạy kèm (chỉ hoạt động sau khi thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về giáo dục, dạy nghề). Theo báo cáo, công ty đã đi vào hoạt động từ tháng 8-2013 đến nay và mở được 2 lớp đào tạo kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì công ty này đã đi vào hoạt động và không liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và dạy nghề theo quy định để được hướng dẫn và cấp phép.

Về thu học phí, công ty đã tổ chức tuyển sinh và thu học phí của người học với mức thu là 1.815.000 đồng/khóa/2 tháng thể hiện trong cuốn hóa đơn giá trị gia tăng. Tuy nhiên, theo 1 tờ biên lai mà Sở LĐ- TB&XH có được thì mức thu của công ty là 3.950.000 đồng/ khóa, tên người nộp lại không được thể hiện trong hóa đơn giá trị gia tăng thu học phí (việc này công ty giải trình là về kiểm tra lại và học viên này đang được học chương trình giao tiếp căn bản, giao tiếp nơi công sở và giao tiếp trước công chúng). Như vậy, về hệ thống sổ sách thu học phí không thống nhất.

Về cấp giấy chứng nhận khi học xong, công ty sử dụng mẫu do công ty tự thiết kế, chưa đăng ký với cơ quan chức năng về mẫu giấy chứng nhận này.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, công ty có giải trình là chưa hiểu đúng về quy định của pháp luật phải đăng ký hoạt động sau khi được cấp phép kinh doanh cũng như chưa cung cấp được các chứng từ và hồ sơ liên quan để đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo.

Qua buổi làm việc, Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ nắm thông tin một phía từ công ty cung cấp cũng như kiểm tra một số hồ sơ liên quan do công ty đưa ra, còn nhiều vấn đề cần làm rõ, phải có sự phối hợp liên ngành để cùng xem xét, giải quyết.

Từ kết quả buổi làm việc, Sở LĐ-TB&XH đã kiến nghị: Vấn đề thu học phí cũng như những dấu hiệu vi phạm mà báo Bình Dương đã nêu cần có sự chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các ngành liên quan như Giáo dục - Đào tạo, Thuế, Kế hoạch - Đầu tư, Công an cùng phối hợp để làm rõ. Nếu công ty thực hiện chưa đúng thì hướng dẫn làm lại cho đúng quy định, nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý. Lĩnh vực đào tạo kỹ năng nói trước công chúng là lĩnh vực mới cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở LĐ-TB&XH để xác định phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

 Kỳ cuối: Ý kiến từ bạn đọc

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên