Các nhà thiên văn châu Âu vừa công bố phát hiện mới nhất về một hệ hành tinh giống hệ Mặt trời, cách trái đất 127 năm ánh sáng. Trung tâm hệ hành tinh mới này là một ngôi sao được đặt tên HD 10180 và có 7 hành tinh quay xung quanh. Các nhà thiên văn đã xác nhận ít nhất 5 hành tinh cỡ sao Hải vương xoay quanh HD 10180 giống cách sắp xếp hành tinh hệ Mặt Trời của chúng ta. Tuy nhiên, 5 hành tinh này có quỹ đạo quay quanh ngôi sao HD 10180 gần hơn rất nhiều so với sao Hải Vương quay quanh mặt trời.
Những thông tin cũng cho biết, các nhà thiên văn đã nghiên cứu các hành tinh này 6 năm bằng cách sử dụng một thiết bị được gọi là quang phổ ký, gắn vào kính thiên văn của ESO ở La Silla (Chile). Các nhà thiên văn đã ghi nhận các rung động, dù là nhỏ nhất, từ chuyển động của các hành tinh do hấp lực của chúng gây ra. Những hành tinh này có chu kỳ quay quanh ngôi sao trung tâm từ 6 đến 600 ngày. Từ các phép đo và tính toán, các nhà khoa học tin rằng còn có 2 hành tinh khác cũng có mặt trong hệ mặt trời rộng lớn này. Hành tinh thứ nhất có thể có kích thước tương tự như sao chổi, với khối lượng tối thiểu gấp 65 lần khối lượng trái đất, quỹ đạo quay hết một vòng quanh ngôi sao mẹ là 2.200 ngày. Hành tinh thứ hai nhỏ hơn nhiều, khối lượng chỉ gấp khoảng 1,4 lần so với trái đất. Hành tinh thứ hai này rất gần ngôi sao trung tâm, khoảng cách chỉ bằng 2% so với khoảng cách giữa trái đất và mặt trời, do vậy nó quay quanh HD 10180 chỉ mất có 1,18 ngày.
Các thông tin được công bố cũng cho thấy, 5 hành tinh được xác định có lẽ được tạo nên từ đá và băng, không có sự sống.
Theo SGGP