Phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương phép nước

Cập nhật: 18-11-2010 | 00:00:00

Hiệu quả đáng ghi nhận đầu tiên từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (gọi tắt là CVĐ) ở huyện Thuận An là người dân đoàn kết giúp nhau làm kinh tế gia đình, tương thân tương ái và phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương phép nước. Qua 15 năm triển khai thực hiện, CVĐ đã mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi...

Thực hiện CVĐ, hầu hết các đoàn thể đều xây dựng mô hình hoạt động nhằm tương trợ vốn cho đoàn viên, hội viên của mình trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Hội LHPN thì tổ chức thành lập quỹ “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, Hội Nông dân cũng cho ra đời quỹ “Hỗ trợ nông dân”... Ngoài ra, các tổ vay vốn tín chấp, giới thiệu đoàn viên, hội viên vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng địa phương và các ngân hàng khác đóng trên địa bàn, vừa hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, vừa giúp rất nhiều người có được nguồn vốn để đầu tư, tăng quy mô sản xuất - kinh doanh. Qua đó, đã giúp gần 172.000 lượt đoàn viên, hội viên được nhận vốn, với tổng số tiền 227,6 tỷ đồng. Song song đó, các đoàn thể còn giới thiệu việc làm, hướng nghiệp... góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp, giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương; đồng thời hướng dẫn đoàn viên, hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau của các đoàn thể, đời sống của nhân dân từng bước đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Nếu như vào năm 1995, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thuận An là 14,5%, thì đến cuối năm 2008, hộ nghèo theo tiêu chí từng giai đoạn cơ bản đã được xóa. Theo tiêu chí mới, năm 2009, toàn huyện có 1.932 hộ nghèo (chiếm 6,19%). Qua thực hiện các biện pháp giảm nghèo, đến cuối năm 2009, số hộ nghèo trên toàn huyện giảm còn 1.326 hộ. Hiện nay, huyện đang ra sức phấn đấu đến cuối năm 2010 giảm 1.003/1.326 hộ.

Qua hội thi khu ấp xanh – sạch – đẹp, trên địa bàn huyện Thuận An đã xuất hiện nhiều cổng chào khu ấp đẹp

Cùng với phong trào giúp nhau làm kinh tế, phong trào đoàn kết tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa cũng đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng. Phong trào còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền, MTTQVN, các đoàn thể và nhân dân trong việc chăm sóc, chia sẻ đau thương mất mát đối với những người có công với đất nước, cũng như đối với những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hoạn nạn... Cùng với các hoạt động, như tổ chức thăm tặng quà trong dịp lễ tết cho các đối tượng chính sách, xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, công nhân không có điều kiện về quê ăn tết... các cấp ngành trên địa bàn huyện còn xây dựng, sửa chữa và bàn giao 586 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 12,492 tỷ đồng; vận động xây dựng và trao tặng 824 căn nhà đại đoàn kết, trị giá trên 8,394 tỷ đồng. Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo, năm 2005, huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn đã được ủy ban Trung ương MTTQVN tặng bằng ghi công đơn vị hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được từ 2 phong trào trên, 4 nội dung còn lại của CVĐ cũng mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đó là phong trào đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục và y tế và đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Đánh giá về hiệu quả của CVĐ trong những năm qua, ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UB MTTQVN huyện, cho biết: “Qua 15 năm thực hiện CVĐ, được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của cán bộ và nhân dân địa phương, CVĐ đã thực sự thấm sâu vào nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hiệu quả của CVĐ thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, đến kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Qua triển khai thực hiện CVĐ, dân chủ được thực hiện tốt, vai trò tự quản của cộng đồng được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và mở rộng; người dân có ý thức hơn trong việc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nếp sống văn hóa dần dần được hình thành, nâng cao ý thức người dân trong việc đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu khác. CVĐ còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nhanh, đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa huyện nhà...”.

HỒNG THUẬN

Thực hiện CVĐ, Thuận An đã tổ chức được 31.330 cuộc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thu hút hơn 1.839.700 lượt người dự; nhân dân cung cấp 10.485 thông tin cho công an, trong đó có 5.953 nguồn tin có giá trị; 56/56 khu, ấp trên địa bàn tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam 18-11 hàng năm; trao tặng 2.412 suất học bổng và gần 28.000 phần quà cho học sinh với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên