Phát triển cây măng cụt ở Dầu Tiếng: Vừa mừng, vừa lo

Cập nhật: 01-11-2013 | 00:00:00

Bài 2: Còn nhiều nỗi lo

> Bài 1: "Giấc mơ" cây măng cụt

Thành công bước đầu từ cây măng cụt ở xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), cũng như một số cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế hơn cây lúa đang làm cho người dân, chính quyền ở đây trăn trở trước kế hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020 tỉnh giao cho huyện và xã. Xa hơn nữa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất ngập úng, không có đê bao thì hiệu quả tới đâu vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Lo vướng quy hoạch đất lúa

Trăn trở của chính quyền huyện Dầu Tiếng cũng như của lãnh đạo xã Thanh Tuyền hoàn toàn có cơ sở. Bởi mục tiêu đến năm 2015, Đảng bộ huyện Dầu Tiếng đặt chỉ tiêu khá tham vọng hoàn thành trồng 70 ha măng cụt trên vùng đất Thanh Tuyền. Tất cả các khâu giống, trình diễn kỹ thuật, mô hình điểm, dự án hỗ trợ nông dân… cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn ấn định diện tích đất trồng.

Nhiều diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả được nông dân xã Thanh Tuyền trồng cỏ để nuôi bò

Theo quy hoạch, Bình Dương được ấn định giữ trên 3.000 ha lúa, trong đó vùng đất Thanh Tuyền được giao giữ 455 ha lúa. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Tuyền Trần Thúc Bảo, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã Thanh Tuyền hiện chỉ khoảng 430 ha. Diện tích này cây cao su, cây ăn trái đang lấn dần, cộng thêm Ban Quản lý Khu du lịch Địa đạo Củ Chi - Thanh Tuyền đang đề nghị Nhà nước giao thêm 125 ha (mở rộng lên 250 ha). Như vậy, đất trồng măng cụt nếu thực hiện đạt theo chỉ tiêu nghị quyết thì phải lấn sang đất trồng lúa. Riêng về đất lúa, xã Thanh Tuyền còn khoảng 230 ha, nhưng hiệu quả không cao.

Phải nói là trồng lúa không có lời do phần lớn diện tích đất bị nhiễm phèn và chưa có hệ thống đê bao, ngập úng thường xuyên, lãnh đạo xã cũng muốn cho nông dân chuyển sang cây trồng khác, đặc biệt là cây măng cụt. Tuy vậy, chính quyền địa phương nơi đây cũng đang gặp khó, một mặt muốn cho dân chuyển sang trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình, nhưng cũng lo vướng đất lúa theo kế hoạch quy hoạch của trên; còn người dân thì nóng lòng, khát vọng với trái măng cụt đang làm nên tên tuổi.

Anh Trần Văn Lợi, nông dân ấp Rạch Kiến, xã Thanh Tuyền cho biết, hiện nay anh chỉ chuyển 3.000m2 đất lúa sang trồng măng cụt, còn hơn 1 ha chưa dám chuyển sang măng cụt, hay cây trồng khác. Vì vùng đất này chưa có đê bao, mặt khác nghe nói đất ở đây được quy hoạch trồng lúa cho nên diện tích còn lại anh chỉ để trồng cỏ nuôi bò hoặc để hoang hóa.

“Để đạt được mục tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra, chúng tôi từng bước cho chuyển những diện tích đất trồng lúa không hiệu quả và không bị ảnh hưởng triều cường sông Sài Gòn để bảo đảm trồng măng cụt đến đâu hiệu quả đến đó. Xã cũng đã có báo cáo về huyện, tỉnh tình hình diện tích đất lúa của Thanh Tuyền”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Tuyền Trần Thúc Bảo nói.

Cần bảo đảm lợi ích lâu dài

Khó khăn là thế, nhưng thực tế hiện nay, nhiều người dân xã Thanh Tuyền vẫn chuyển sang trồng măng cụt. Đất ngập nước, họ tự đầu tư vốn liếng lên mương, vét máng trồng măng cụt. Mấy ngày qua triều cường lên cao, nhiều diện tích măng cụt chìm trong nước nhưng người dân không tỏ ra lo lắng. Điều họ lo là hiện nay hai bên sông Sài Gòn, một bên được TP.HCM đắp đê bao, còn bên Bình Dương đoạn từ Dầu Tiếng về An Tây (Bến Cát) chưa có đê bao, khi hồ Dầu Tiếng xả lũ có thể nhấn chìm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, cây ăn trái ở đây. Vì vậy, phát triển cây măng cụt trong hoàn cảnh chưa có đê bao, hiệu quả như thế nào rất khó đoán, hậu quả cũng rất khó lường.

Nhiều gia đình xã Thanh Tuyền hiện đã chuyển sang trồng măng cụt

Về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, Chính phủ giao cho Bình Dương trên 3.000 ha lúa. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Thủy cho biết, đất quy hoạch trồng lúa không nhất thiết đất phải trồng lúa, nhưng không được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp. Khi có những tác động cần thiết thì diện tích này phải chuyển sang đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Riêng về việc đắp đê bao ven sông Sài Gòn, chúng tôi được biết, dự án đã có nhưng chưa bố trí kinh phí nên không thể triển khai thực hiện. Như vậy, vườn cây măng cụt của người dân nơi đây vẫn còn đối mặt với nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả trong tương lai.

Qua tìm hiểu được biết, Ban Quản lý Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi - Thanh Tuyền đã nhận 125 ha đất thuộc xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) nằm trong quy hoạch mở rộng Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi mà Bình Dương đã giao cho đơn vị này và đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2000. Chủ đầu tư đã có kế hoạch sử dụng đất này với 8 phân khu chức năng: Khu lưu trú tái hiện địa đạo; khu dịch vụ nhà quản lý; khu tái hiện bám trụ sông nước; khu trưng bày và triển lãm; khu nông trại; khu tái hiện kết hợp; khu giáo dục truyền thống cách mạng và khu trồng rừng sinh thái. Đơn vị này đang gấp rút triển khai dự án, thậm chí “thừa thắng xông lên” đơn vị này còn đề nghị Bình Dương giao tiếp 125 ha đất Thanh Tuyền để tiếp tục mở rộng Khu du lịch lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Theo kế hoạch quy hoạch của địa phương, kết hợp với dự án khu du lịch lịch sử này là phát triển du lịch sinh thái vườn, đầu tư cho cây măng cụt để tận dụng lợi thế đó giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế gia đình. Đây là bước tính toán hợp lý, nhưng đầu tư cho vườn cây ăn trái như thế nào để có hiệu quả cho người dân và địa phương, vừa giữ được đất lúa đã quy hoạch để chuyển sang đất lúa khi có yêu cầu là một bài toán chưa có lời giải.

Bài cuối: Đất trồng lúa không nhất thiết phải trồng lúa?

H.NHÂN - Đ.HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên