Phát triển cây măng cụt ở Dầu Tiếng: Vừa mừng, vừa lo

Cập nhật: 02-11-2013 | 00:00:00

Bài cuối: “Đất quy hoạch trồng lúa không nhất thiết phải trồng lúa”

> Bài 2: Còn nhiều nỗi lo

> Bài 1: "Giấc mơ" cây măng cụt

Việc nông dân xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) muốn chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp của những người dân nơi đây. Vấn đề còn lại là các ngành chức năng cần cung cấp những thông tin về mục đích sử dụng đất cũng như các điều kiện nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong đó có cây măng cụt để nông dân không còn phải phập phồng khi quyết định đầu tư trên mảnh đất của mình.

Đã có quy hoạch rõ ràng

Theo bà Nguyễn Minh Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện tỉnh đã có quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020. Quy hoạch được xác lập trên cơ sở Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 -5-2012 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết số 78/NQ-CP). Theo đó, quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 78/NQ-CP là 3.150 ha và phân khai chỉ tiêu cụ thể cho các huyện Bến Cát: 515 ha, Tân Uyên: 1.870 ha và huyện Dầu Tiếng: 765 ha.

Người dân Thanh Tuyền cải tạo đất trồng cây măng cụt

Đối với đất nằm trong quy hoạch sản xuất lúa theo Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ và Thông báo số 200/TB-UBND của UBND tỉnh, hiện Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND các huyện có quy hoạch đất lúa để rà soát diện tích cụ thể và đề nghị các huyện khẩn trương xây dựng bản đồ chuyên đề đất lúa, đồng thời xây dựng kế hoạch cắm mốc ranh giới để thuận lợi trong việc quản lý. Mặt khác, Sở NN-PTNT cũng đang xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng và hỗ trợ kinh phí để phát triển các vùng sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề nhiều người dân có đất nằm trong Quy hoạch sản xuất lúa nhưng muốn chuyển đổi sang cây trồng khác, bà Thủy cho biết, sở khuyến cáo bà con nông dân phải căn cứ vào đặc điểm thổ nhưỡng, vị trí từng vùng đất cụ thể để chọn loại cây trồng phù hợp, bảo đảm điều kiện sinh trưởng của loại cây trồng đó nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và ổn định. Đối với những vùng đất trồng lúa có độ phì nhiêu thấp và không thuận lợi trong việc chủ động nước trong mùa khô, năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế, sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân canh tác 1 vụ lúa và 1 vụ rau màu hoặc chuyển sang trồng cây ngắn ngày có năng suất, giá trị kinh tế cao. “Đất quy hoạch trồng lúa không nhất thiết phải trồng lúa, nhưng trong quá trình canh tác không được làm thay đổi kết cấu mặt bằng ruộng lúa, để khi có nhu cầu an ninh lương thực thì có thể sử dụng sản xuất lúa ngay…”, bà Thủy khuyến cáo.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Thanh Tuyền là một xã nằm trải dài theo hệ thống sông Sài Gòn, nhiều khu vực có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển cây ăn trái, nhất là cây măng cụt. Việc trồng măng cụt đã được nông dân Thanh Tuyền thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của cây măng cụt đem lại chưa cao mà nguyên nhân do chất lượng cây giống chưa bảo đảm, còn trồng vườn tạp hoặc xen canh, mật độ và quy trình trồng chưa hợp lý, hệ thống tiêu thoát nước chưa bảo đảm …

Để phát triển 70 ha măng cụt ở xã Thanh Tuyền theo như kế hoạch của huyện Dầu Tiếng trong thời gian tới, ngành chức năng đã khuyến cáo người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần nạo vét suối Xuy Nô để tiêu thoát nước, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông nông thôn để thuận trong việc đầu tư và chăm sóc vườn cây. Song song đó, phải chọn giống có thương hiệu, năng suất và chất lượng cao. Canh tác với mật độ và quy trình phù hợp đối với đặc điểm sinh học của cây măng cụt. Đối với những nơi thường bị ngập trong mùa mưa phải lên líp cao và đào mương rộng để thoát nước tốt. Mặt khác, cần tăng cường tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân và biện pháp phòng trừ dịch hại. Từng bước hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu tập thể cho măng cụt Thanh Tuyền.

Không chỉ ở Dầu Tiếng, hiện nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Trước mắt, Sở NN-PTNT đã phân công Trung tâm Khuyến nông xây dựng dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Thanh Tuyền và dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng dự án tại Quyết định số 2421/QĐ-UBND ngày 4-10-2013. Hiện Trung tâm Khuyến nông đang xây dựng nội dung và kinh phí thực hiện dự án. Trước đó, trong năm 2012, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 45/2012/QĐ-UBND ngày 16-10-2012 về một số chính sách hỗ trợ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016. Hiện nay, UBND TX.Thuận An triển khai chính sách này tại 4 xã, phường bao gồm: Bình Nhâm, An Sơn, Hưng Định và An Thạnh. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc sở đã triển khai các mô hình trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và rau an toàn… cho các xã ven sông Sài Gòn.

Tiếp tục nâng cấp hệ thống đê bao

Từ năm 1993 đến nay, Bộ NN-PTNT đã quan tâm đầu tư hệ thống đê bao dọc sông Sài Gòn thuộc tỉnh Bình Dương với tổng chiều dài khoảng 50,4km. Đó là các tuyến đê bao Tân An - Chánh Mỹ, An Tây - Phú An và đê bao An Sơn - Lái Thiêu. Các dự án này đã giải quyết tốt nhiệm vụ ngăn triều, thoát lũ, chống ngập úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, tiêu thoát nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp phía nam tỉnh Bình Dương. Đồng thời, tạo nguồn, dẫn ngọt bảo đảm tưới chủ động hoàn toàn cho sản xuất nông nghiệp, kết hợp cải tạo hệ thống giao thông thủy và đường giao thông nông thôn trong vùng, phát triển các khu kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, còn một số diện tích đất sản xuất chưa có đê bao bảo vệ nên thường xuyên bị ngập úng thuộc xã Thanh An, Thanh Tuyền của huyện Dầu Tiếng, ấp Phú Thuận, xã Phú An của huyện Bến Cát. Để tỉnh thực hiện tốt công tác chống ngập úng, giảm nhẹ thiên tai cho khu vực hạ du sông Sài Gòn, Sở NN-PTNT đã có kiến nghị Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi hỗ trợ tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp một số dự án, công trình phòng chống lũ hạ du sông Sài Gòn như: Đầu tư xây dựng mới tuyến đê bao từ giáp ranh xã An Tây đến thị trấn Dầu Tiếng bảo vệ khoảng 700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp; đê bao Phú Thuận - xã Phú An bảo vệ diện tích 225 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất ở; xây dựng 5 cống ngăn triều tại các cửa rạch lớn (Vĩnh Bình, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Vàm Búng và Bà Lụa); đồng thời, sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao và hệ thống cống dưới đê An Tây - Phú An. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đang tiếp tục đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương thực hiện nâng cấp, gia cố bờ bao ven sông Sài Gòn, bờ bao các tuyến rạch nội đồng theo phân cấp quản lý và chỉ đạo của UBND tỉnh.

T.DŨNG – H.NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên