Phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ gắn với nhu cầu của địa phương

Cập nhật: 04-12-2019 | 08:41:01

Bình Dương đang hội nhập sâu rộng với độ mở của nền kinh tế rất lớn. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Với thế mạnh về sản xuất công nghiệp, nhu cầu phát triển các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp ô tô của Công ty TPR Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Đáp ứng nhu cầu sản xuất

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết hiện nay phần lớn các sản phẩm CNHT phục vụ cho ngành dệt may trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung phải nhập khẩu, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành nói chung, đến tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nói riêng.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh - đơn vị tư vấn Đề án định hướng phát triển cụm CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Sở Công thương chủ trì, việc phát triển các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT là phù hợp tình hình phát triển của Bình Dương hiện nay. Lý do là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT thường có quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng đất thấp, trong khi các khu công nghiệp cho thuê đất với diện tích lớn, vượt quá khả năng của các doanh nghiệp CNHT.

Trong khi đó, 15 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được quy hoạch đến năm 2020 hầu hết là cụm công nghiệp đa ngành, không có cụm công nghiệp dành riêng cho CNHT. Thực tế này đòi hỏi phải phát triển các cụm CNHT phục vụ phát triển công nghiệp tỉnh nhà nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh tính toán, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2018 tăng bình quân 13,1%/năm. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như giai đoạn 2012-2018 thì trong thời gian tới số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tăng mạnh.

Theo đơn vị tư vấn này, ước tính diện tích bình quân mỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT khoảng 5.000m2; số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT hoạt động trong các cụm công nghiệp là 70%, hoạt động trong các khu công nghiệp là 30%. Như vậy, với số lượng doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh tăng lên theo hàng năm, nhu cầu đất cho phát triển cụm công nghiệp cũng tăng theo, cụ thể dự kiến năm 2020 là 66 ha, năm 2025 là 230 ha. Với quy mô mỗi cụm công nghiệp có diện tích tối đa là 75 ha, nhu cầu số lượng cụm CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 1 cụm, năm 2025 là 3 cụm.

Gắn với thực tế địa phương

Các chuyên gia cho biết doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam phần lớn là một tổng thể của chuỗi cung ứng ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Mục tiêu các doanh nghiệp này hướng tới là khai thác những điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư của Việt Nam, kể cả cơ chế, ưu đãi về thuế, giá thành nguồn lao động, trình độ công nghệ... Vì vậy, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã hình thành 2 khu vực kinh tế trong một nền kinh tế tách biệt và thiếu sự gắn kết phát triển, không tạo sự lan tỏa. Đó là khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế nội địa. Với đặc thù này, doanh nghiệp CNHT của Việt Nam rất khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận thực tế hiện nay là trình độ, năng lực của doanh nghiệp CNHT trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong nước và thế giới. Phần lớn doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, còn hạn chế về nhiều mặt. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước.

Tại cuộc họp do Sở Công thương chủ trì vừa qua để nghe đơn vị tư vấn trình bày Đề án định hướng phát triển cụm CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đại diện các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cho rằng việc quy hoạch cụm CNHT cần căn cứ vào tình hình sản xuất của từng ngành và thế mạnh của địa phương. Đơn vị tư vấn cần tính toán kỹ số lượng doanh nghiệp của từng ngành, sản lượng hàng hóa của từng ngành để có hướng tiếp cận cho cụ thể, tránh tình trạng quy hoạch thừa và thiếu. Thêm vào đó, khi quy hoạch các cụm công nghiệp cần quy hoạch bài bản, gắn với thực tế địa phương, bảo đảm các tiêu chí về môi trường, gia thông, nguồn nhân lực.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, mong muốn các sở, ngành tạo điều kiện tốt nhất để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Trọng cũng kiến nghị các sở, ngành liên quan tạo kết nối, tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để doanh nghiệp trong nước có cơ hội “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến của các ngành và địa phương đóng góp cho đề án như: Quy hoạch cụm công nghiệp, nguồn lao động cho cụm công nghiệp cần gắn với đào tạo; xây dựng cụm CNHT cần gắn với nhu cầu thực của doanh nghiệp hiện nay; các định hướng kết nối giao thông; giải pháp tốt nhất cho vấn đề môi trường, xử lý nước thải…

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc quy hoạch và phát triển cụm CNHT góp phần tạo động lực cho ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh hơn, đóng góp quan trọng vào tăng tưởng công nghiệp chế biến, chế tạo… trong thời gian tới. Việc xây dựng các cụm CNHT thúc đẩy ngành CNHT địa phương phát triển, giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp CNHT trong nước...

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên