TP.Thủ Dầu Một vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị Thủ Dầu Một nói riêng và của Bình Dương nói chung.
Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị
Đây chính là nguyên tắc không được thay đổi trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đô thị của Bình Dương nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng được Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) Nguyễn Văn Hùng nhiều lần giới thiệu với các nhà đầu tư, các địa phương trong nước đến học tập kinh nghiệm về phát triển đô thị và thu hút đầu tư tại Bình Dương. Ông Hùng cũng nhấn mạnh, phát triển đô thị tại Bình Dương không phải chỉ tập trung ở đô thị trung tâm mà là phát triển chung của toàn tỉnh.
Một góc đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: D.CHÍ
Quy hoạch đô thị của Bình Dương được các chuyên gia giàu kinh nghiệm của trường Đại học Quốc gia Singapore thực hiện dựa trên các yêu cầu cơ bản là hiện đại, thân thiện môi trường, không làm thay đổi cảnh quan tự nhiên. Quy hoạch này được chính các nhà thiết kế quản lý, kiểm soát trong suốt quá trình triển khai nhằm bảo đảm tiêu chuẩn của một đô thị năng động, hiện đại và thân thiện môi trường; tách biệt giữa công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhưng không tách rời các bộ phận này với nhau, vì nếu khu công nghiệp tách rời khu dân cư, đô thị sẽ phát sinh chi phí đi lại, làm tăng giá thành của nhà đầu tư. Ngược lại, khi bố trí dân cư đô thị hợp lý với công nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt để kích thích lẫn nhau phát triển. Điều này còn giúp cư dân địa phương đã bị giải tỏa có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế bằng dịch vụ, thương mại.
“Điều quan trọng trong quản lý, kiểm soát quy hoạch là để không xảy ra khoảng cách trong tiếp cận, hưởng thụ các lợi ích của đô thị mang lại là học tập, khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa”, ông Hùng cho biết.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
“Ai cũng muốn địa phương mình được phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao nhưng với điều kiện hạn chế về ngân sách, chưa đầu tư được hạ tầng như mong đợi. Vậy Bình Dương đã làm gì để có ngày hôm nay?”. Đó là câu hỏi quen thuộc mà các trường, viện nghiên cứu, lãnh đạo nhiều địa phương đến tham quan học tập kinh nghiệm tại Bình Dương thường đặt ra với lãnh đạo tỉnh. Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết, tỉnh đã luôn tạo mọi thuận lợi, mở ra cơ chế chính sách thông thoáng nhưng không vi phạm quy định trong mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Bình Dương. Khi nhà đầu tư thành công, tin tưởng họ sẽ giúp tỉnh mời gọi bạn bè, đối tác đến cùng làm ăn. Riêng với người dân thì đừng tính toán thiệt hơn, mà phải bảo đảm người dân được gì khi tham gia, hợp tác với Nhà nước.
Ông Thái Văn Trung, người dân ở xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên phấn khởi cho biết, ở địa phương trước đây đất rộng nhiều gia đình làm ruộng quanh năm nhưng chỉ có một vài hộ đủ ăn, khấm khá nhờ biết tiết kiệm. Giờ được đô thị hóa, đường sá thuận tiện, điện, nước sinh hoạt cùng rất nhiều tiện ích khác nên đời sống người dân đã được nâng lên, không còn nhà tranh vách đất như trước mà là nhà xây, nhà tầng rất đẹp. Con em cũng được học hành, làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại.
Điều này đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Nam tiếp tục diễn giải: Theo quy định, hệ thống giao thông trong khu công nghiệp do chủ đầu tư chịu trách nhiệm, nhưng tại Bình Dương chủ đầu tư vẫn có trách nhiệm đầu tư những con đường ngoài khu công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời còn góp phần phát triển tiềm năng và đời sống của cư dân xung quanh. Đại lộ Bình Dương chính là “chiếc thảm đỏ kỹ thuật” minh chứng cho chủ trương trải thảm đỏ mời gọi đầu tư của tỉnh.
Còn “làm thế nào để có hệ thống hạ tầng như mong đợi trong điều kiện khó khăn về ngân sách” thì được Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Nếu hỏi lấy đâu ra tiền để đầu tư hạ tầng, chúng tôi cũng trả lời thật là không biết, vì sự thật là chúng tôi không có tiền! Muốn phát triển lâu dài phải có chiến lược và niềm tin và khi đã tin thì hợp tác cùng thực hiện chiến lược theo phương thức tất cả cùng có lợi”.
DUY CHÍ