Phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020: Quy hoạch theo hướng nào? - Kỳ 1

Cập nhật: 20-11-2014 | 08:27:53

 Kỳ 1: Chợ tự phát vẫn… phát!

 Nhằm mục tiêu thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại và tổ chức thị trường trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, năm 2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4141 phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, quy hoạch, hệ thống mạng lưới chợ đã bộc lộ những bất cập như tiến độ thực hiện quy hoạch chậm, công tác quản lý nhà nước về hoạt động chợ còn hạn chế và tình hình tập trung mua bán tự phát (gọi chung là chợ tự phát - CTP)… còn diễn biến phức tạp.

 

Chợ họp mọi lúc, mọi nơi. Trong ảnh: Cảnh mua bán tại CTP trước khu vực chợ Bình Hòa 2 . Ảnh: T.HỒNG

 Tràn lan chợ tự phát

Trong thời gian qua, CTP đã được các địa phương trong tỉnh giải tỏa dần. Tuy nhiên, tình hình mua bán tự phát vẫn còn phức tạp, tập trung chủ yếu tại TP.Thủ Dầu Một, các TX.Thuận An, Bến Cát và Tân Uyên. Cụ thể, ngay trước đường vào chợ Bình Hòa 2, phường Bình Hòa (TX.Thuận An), tình trạng họp chợ lấn đường đã diễn ra khá lâu. Việc các hộ buôn bán nhỏ lẻ tự lấy lòng đường, vỉa hè làm nơi họp chợ không chỉ khiến cho hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh trong chợ Bình Hòa 2 bị ảnh hưởng mà còn gây mất trật tự an toàn giao thông và đặc biệt, cũng chỉ vì việc này mà đã gián tiếp làm thất thu một nguồn thuế của Nhà nước. Một tiểu thương tại khu vực này cho biết: “Tôi cũng có quầy hàng trong chợ nhưng đã đóng cửa, ra thuê điểm của một hộ dân để bán hàng. Bán ở đây đông khách hơn; thuế, phí vẫn vậy nhưng lãi cao hơn. Nếu như cứ bám trụ trong chợ Bình Hòa 2 thì thật khó cạnh tranh lại với những người bán ở ngoài này, vì đa số khách khi mua hàng cứ tiện đường là họ mua. Nếu không phải khách quen chắc chẳng ai vào chợ để mua…”.

Địa bàn TX.Dĩ An như các phường Tân Bình (ngã tư Chiêu Liêu), Tân Đông Hiệp (ngã tư 550) hay như khu phố 3B, đường DJ9, đường H26; khu phố 6, đường N5 ở phường Thới Hòa (TX.Bến Cát)... cũng lâm vào cảnh tương tự. Những con đường xung quanh chợ, khu dân cư trở thành địa điểm lý tưởng cho những người bán hàng rong. Hàng đủ thứ được bày tại lề đường, xe đẩy chở hàng nhiều khi chiếm hết lối đi khiến xe cộ qua lại chật vật và mất an toàn giao thông. Tại các đường như ĐT746 đoạn qua phường Khánh Bình, đường ĐH 410, 409 đoạn qua ngã ba ấp 6, xã Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên)… cũng lộn xộn không kém.

Rảo quanh khắp các địa bàn “nóng” về CTP vào khoảng 16 giờ, có thể thấy nơi nào cũng có CTP. Từ một số người bán dạo lâu năm, dần dần nhiều người kéo đến tập trung thành CTP. Công nhân, người dân cứ thấy có CTP là mua, do vậy cảnh bát nháo xung quanh chợ chính và CTP là không thể tránh khỏi. Chị Trần Thị Trinh, tiểu thương quầy rau tươi tại chợ Tân Uyên đã “khái quát”: Ở đây con đường nào cũng có thể biến thành chợ. Chợ họp mọi lúc, mọi nơi. Hễ có công ty, xí nghiệp là có điểm họp chợ.

Ngoài lý do là địa bàn có khá nhiều chợ hình thành, công tác giải tỏa CTP của ngành hữu quan thời gian qua thiếu cương quyết, chậm trễ đã làm CTP ngày càng tăng.

Tiểu thương bỏ chợ

Có một nghịch lý kéo dài là tiểu thương vào bán trong chợ phải chi nhiều khoản chi phí như tiền thuế, điện, nước, bảo vệ, dọn vệ sinh… nhưng lại vắng bóng người mua. CTP thì không phải tốn phí nào. Hệ quả là CTP bao vây, lấn hoạt động chợ chính, ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương trong chợ chính. Điển hình như chợ Hài Mỹ (TX. Thuận An). Dù được đánh giá là chợ kiểu mẫu về các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, hoạt động hiệu quả… nhưng nhiều tháng gần đây, chợ này đang đối diện tình trạng thiếu vắng người mua, người bán; hiện tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 150/200 sạp.

 

 Năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 93 điểm, CTP; đến nay còn tồn tại 52 CTP cần phải giải tỏa và tìm địa điểm phù hợp để hình thành chợ tạm, sắp xếp trật tự mua bán. Trong đó, có 21 điểm cần giải tỏa ngay gồm TP.Thủ Dầu Một 2 điểm, TX.Thuận An 6 điểm, TX.Dĩ An 2 điểm, TX.Tân Uyên 6 điểm, TX.Bến Cát 5 điểm.

Ông Huỳnh Văn Sanh, Trưởng ban Quản lý chợ Hài Mỹ chia sẻ: “Để giữ tiểu thương bám trụ với chợ chúng tôi đã giảm giá thuê sạp, miễn phí gửi xe, vệ sinh, chỉ thu phí khi người vào chợ có nhu cầu vào trong chợ mua sắm… Tuy nhiên những giải pháp này cũng khó kéo tiểu thương trở lại sạp khi khách vào chợ ngày càng thưa vắng”.

 

 

“Nếm trái đắng” từ cách đây 2 năm, bà Phạm Thị Diệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Diệp Tâm Thảo là một trong những người hăng hái dốc tiền xây dựng chợ khi TP.Thủ Dầu Một có chủ trương phát triển chợ để dọn dẹp CTP tại phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một). Cuối năm 2011, bà tận dụng mặt bằng sẵn có của mình, đầu tư thêm 3,6 tỷ đồng xây dựng chợ Phú Mỹ. Nhưng chỉ non 1 tháng, chợ vẫn đìu hiu vì tiểu thương đăng ký sạp đã ra buôn bán ở lề đường cách đó vài chục mét… Sau nhiều tháng “kêu cứu” giải quyết CTP nhưng không có kết quả, giờ đây bà Thảo đành bỏ trống và tận dụng các ki-ốt chợ để kinh doanh dịch vụ nhà trọ.

Chính quyền… vướng

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực giải tỏa các CTP. Tuy vậy, tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, đường hè phố luôn là bài toán nan giải cho ngành chức năng và địa phương. Ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An cho biết, cảnh tượng nhốn nháo, mất trật tự thường xuyên diễn ra tại nhiều khu vực chợ trên địa bàn thị xã. Người bán hàng di động đứng bán hàng bất cứ nơi nào và mặc nhiên lấn chiếm lòng lề đường khiến lực lượng chức năng đau đầu mỗi khi ra quân dọn dẹp và chỉnh trang đường phố. “Dù địa phương đã có quy hoạch chợ tạm, yêu cầu bà con vào chợ, có chỗ buôn bán bảo đảm cuộc sống, không ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông thế nhưng, việc buôn bán lấn chiếm, thậm chí tràn vào các khu vực chợ trong quy hoạch vẫn như tình trạng “ném đá ao bèo” nhiều năm qua”, ông Thạch nói.

Trên địa bàn TX.Tân Uyên hiện có 7 chợ, 2 TTTM và tới đây sẽ hình thành thêm 3 chợ mới. Tuy vậy, tình hình CTP trên địa bàn vẫn đang khá phức tạp. Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết, việc hình thành các CTP trên địa bàn thị xã trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các tiểu thương có đăng ký kinh doanh và trong các chợ theo quy hoạch. Các CTP chủ yếu tập trung ở những khu vực đông công nhân lao động, trước các cổng công ty, xí nghiệp vào đầu giờ và lúc tan ca. Trước tình hình này, UBND TX.Tân Uyên đã chỉ đạo cho các ngành chức năng của thị xã, các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm mua bán gây mất an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Đồng thời, UBND thị xã giao cho xã, phường chọn các điểm để tạo điều kiện cho những người mua bán hàng rong không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh vào mua bán theo Quyết định 1437 của UBND tỉnh.

Theo UBND TX.Tân Uyên, trong 10 tháng qua thị xã đã giải tỏa được 9/16 điểm CTP và đã tổ chức sắp xếp 6 điểm chợ tạm. Thời gian tới, thị xã tiếp tục giải tỏa các CTP và sắp xếp thêm các điểm chợ tạm không để hình thành các CTP mới.

 Kỳ 2: Bất cập trong quy hoạch chợ 

 TRÚC HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1639
Quay lên trên