Phát triển thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại

Cập nhật: 07-12-2019 | 21:55:45

Trong những năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) của TP.Thủ Dầu Một có sự phát triển mạnh mẽ. Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng TM-DV, tạo nên sự phong phú, đa dạng, từng bước tạo dựng cho người dân thói quen mua sắm văn minh, hiện đại, an toàn, chất lượng.

 

Ngành TM-DV TP.Thủ Dầu Một phát triển mạnh trong thời gian qua. Trong ảnh: Một tuyến phố trung tâm thành phố với nhiều cơ sở kinh doanh TM-DV. Ảnh: THANH HỒNG

Đa dạng loại hình thương mại - dịch vụ

Những năm gần đây, song song với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi… thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hình thành hệ thống cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh, tiện ích. Nhờ đó, hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được mở rộng, phân bố đồng đều, đáp ứng nhu cầu người dân.

Đến nay, nhiều nhà phân phối có thương hiệu lớn cùng các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi (như Điện máy xanh, Vinmart+, Family mart…) phục vụ 24/24 giờ đã có mặt trên địa bàn thành phố. Sự phát triển tích cực của các cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu này đã đáp ứng được xu hướng tiêu dùng an toàn, tiện lợi của người dân.

Đối với hệ thống bán lẻ có quy mô, thành phố hiện có 4 trung tâm thương mại, 5 siêu thị đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống hiện hữu được thành phố quan tâm cải tạo nâng cấp, các chợ tự phát từng bước được sắp xếp ổn định. Công tác xã hội hóa các chợ cũng đạt kết quả khả quan.

Theo UBND thành phố, hiện địa phương đang phối hợp nghiên cứu xây dựng dự án Trung tâm TM-DV - đô thị tại góc giao lộ đại lộ Bình Dương - đường Phạm Ngọc Thạch (ngã tư Phước Kiến). Trung tâm thương mại này kết hợp với giao thông dọc tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm tạo bước phát triển mới về TM-DV của thành phố.

UBND thành phố đánh giá, thời gian qua nhìn chung lĩnh vực TM-DV của thành phố phát triển tốt. Đối với thương mại, các điểm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn được mở rộng khá hiệu quả, tốc độ tăng trưởng giá trị dịch vụ bình quân gần 29%/năm; hiện chiếm tỷ trọng 60,88% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố.

Nâng chất trong giai đoạn mới

Tuy đã có những bước phát triển đáng kể nhưng xét về tổng thể, cơ sở vật chất của mạng lưới TM-DV, nhất là lĩnh vực của thành phố trong những năm qua được đánh giá chưa tương xứng với vị trí, vai trò trung tâm của tỉnh. Điển hình, hiện vẫn còn nhiều chợ tại một số địa phương của thành phố chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện vệ sinh môi trường nói chung, an toàn thực phẩm ở chợ nói riêng còn bất cập.

Thời gian qua, TP.Thủ Dầu Một đã triển khai nhiều giải pháp phát triển TM-DV, như phối hợp tổ chức nghiệp vụ quản lý cho Ban Quản lý chợ, tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương; hỗ trợ tiểu thương vay vốn ngân hàng; triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc, thí điểm chợ an toàn thực phẩm… Tuy vậy, theo đánh giá của UBND thành phố, hoạt động TM-DV tại địa phương nhìn chung vẫn chưa tương xứng với vị thế là đô thị loại I; chất lượng một số loại hình dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và sự phát triển chung của xã hội; vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ chất lượng cao.

Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động, khai thác, sử dụng của một số chợ trên địa bàn chưa hiệu quả, chưa thu hút được hết các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Cùng với đó, tốc độ triển khai một số dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị tại một số phường trung tâm thành phố còn chậm so với kế hoạch được phê duyệt…

Để lĩnh vực TM-DV phát triển xứng tầm, trong thời gian tới thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế với trọng tâm phát triển TM-DV là mũi nhọn, là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ vui chơi giải trí, chợ đầu mối, khu ẩm thực. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác các chợ đang hoạt động phù hợp với quy hoạch, đồng thời sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành nghề để phát huy tối đa công suất chợ.

Thành phố cũng nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực TM-DV. Đồng thời, thành phố khuyến khích, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trên địa bàn phát triển các loại hình TM-DV; xây dựng mô hình quản lý chợ theo kiểu mới; phát triển các mô hình quản lý chợ văn minh thương mại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, xứng tầm với vị thế của đô thị loại I.

 Đến nay, thành phố có 13/15 chợ đã được xã hội hóa, trong đó chợ Thủ Dầu Một là chợ trung tâm được hình thành từ rất lâu, đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng, là một phần không thể thiếu đối với người dân thành phố. Chợ Thủ Dầu Một đang được mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào quản lý, khai thác, xây dựng lại theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Hiện chợ có khoảng 3.600 hộ kinh doanh cá thể đang kinh doanh các nhóm, ngành hàng phục vụ tiêu dùng thiết yếu, tạo nên sự đa dạng loại hình TM-DV trên địa bàn.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên