Phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Cần những giải pháp đồng bộ và phù hợp

Cập nhật: 14-05-2020 | 09:13:02

So với các địa phương khác trong tỉnh, Dầu Tiếng là địa bàn có ít doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước hoạt động. Đây là một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Mặc dù vậy, với quyết tâm và những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, công tác phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện đã mang lại những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

 Lễ ra mắt Chi bộ Công ty Gỗ Hồng Trâm Phát (xã Định Hiệp) - một trong 5 tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước ở huyện Dầu Tiếng

Tìm nguồn…

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 34-CTr/HU của Huyện ủy Dầu Tiếng về xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là BCĐ), thời gian qua, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai đến các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nêu cụ thể các chỉ tiêu và phương pháp thực hiện cho từng năm và từng giai đoạn. Đặc biệt, BCĐ cùng lãnh đạo địa phương đã liên hệ, tổ chức thăm hỏi tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn. Thông qua những buổi tiếp xúc, gặp gỡ DN, BCĐ đã khảo sát nguồn đảng viên, công đoàn, Đoàn Thanh niên, phụ nữ… Bên cạnh đó, các cơ quan như Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện đã chủ động thường xuyên phối hợp với địa phương tiếp xúc, trao đổi với DN trên địa bàn mình quản lý.

Một trong những giải pháp tạo nguồn kết nạp đảng mang tính sáng tạo được huyện Dầu Tiếng thực hiện trong thời gian qua đó là việc mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng gần nơi người lao động làm việc. Ông Nguyễn Đình Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Dầu Tiếng, cho biết việc tổ chức các lớp học ngay gần nơi làm việc của công nhân, người lao động mang lại nhiều thuận lợi. Bởi không chỉ tạo thuận lợi cho học viên theo học đầy đủ các nội dung mà còn bảo đảm thời gian cho họ làm việc trong tuần…”. Thực tế lâu nay các lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng thường được tổ chức ở trung tâm huyện và học tập trung mấy ngày liền. Điều này gây khó khăn nhất định cho công nhân, người lao động và cả chủ DN trong việc bảo đảm tiến độ sản xuất, kinh doanh. Với việc tổ chức lớp học gần nơi làm việc của công nhân, đến nay đã có 11 học viên là người lao động trong các DN ngoài khu vực Nhà nước tham gia các lớp học.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Phó trưởng BCĐ, qua tiếp xúc, đa số các DN đều đánh giá cao hoạt động của tổ chức công đoàn, thanh niên, hội phụ nữ… trong đơn vị mình. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong DN. Bên cạnh

 đó sự vào cuộc của các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động và nhất là nhận thức của người lao động về vai trò của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN ngày càng được nâng cao đã góp phần tích cực trong quá trình thực hiện Chương trình 34 của Huyện ủy. Qua hơn 3 năm thực hiện chương trình, đến nay huyện Dầu Tiếng đã thành lập được 6 tổ chức công đoàn với tổng số 209 công đoàn viên và phát triển thêm 341 công đoàn viên; phát triển 2 tổ chức Đảng với 8 đảng viên; phát triển 4 chi hội thanh niên công nhân nhà trọ với 120 hội viên. Ngoài ra, địa phương còn thành lập chi hội phụ nữ nhà trọ và Hội Cựu chiến binh trong DN.

Đến nay, toàn huyện có 5 tổ chức Đảng với 16 đảng viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Bên cạnh đó, toàn huyện còn có 29 đảng viên làm việc trong các DN nhưng sinh hoạt ghép tại khu phố, ấp ở các xã, thị trấn. Liên đoàn Lao động huyện phát triển 21 tổ chức công đoàn cơ sở với tổng số gần 2.000 công đoàn viên. Đoàn Thanh niên thành lập 2 chi đoàn thanh niên công nhân trong DN với 46 đoàn viên; thành lập 1 chi hội thanh niên công nhân trong DN với 65 hội viên. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên còn thành lập 19 chi hội, chi đoàn thanh niên công nhân nhà trọ với tổng số gần 500 hội viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập 12 chi hội với trên 300 hội viên, đồng thời xây dựng 20 hội viên nòng cốt tích cực tham gia phong trào và thường xuyên được bồi dưỡng năng lực tuyên truyền các hoạt động thi đua cũng như nhiệm vụ công tác hội.

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực song công tác phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Phó trưởng BCĐ Chương trình 34, cho biết có rất nhiều nguyên nhân song chủ yếu vẫn do công tác tuyên truyền, vận động còn gặp khó khăn do một số chủ DN chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại DN. Nhiều DN chưa nhận rõ được lợi ích của các tổ chức mang lại trong quá trình hoạt động tại DN. Mặt khác, phương thức sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội tuy có đổi mới nhưng vẫn còn hành chính hóa, thời gian sinh hoạt còn ít do người lao động phải làm việc theo giờ quy định của DN…

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn đồng thời phấn đấu thực hiện có hiệu quả công tác phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN ngoài khu vực Nhà nước, thời gian tới BCĐ Chương trình 34 của huyện đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong đó nhấn mạnh các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, bảo đảm đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó các cấp ủy Đảng thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng hoạt động của cấp ủy Đảng, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; tăng cường tiếp xúc vận động, thuyết phục và phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến chủ DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN…

Việc thành lập tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN ngoài khu vực Nhà nước không chỉ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Ngược lại, với sự hoạt động hiệu quả của các tổ chức sẽ đóng góp tích cực hơn vào sản xuất, kinh doanh, giúp DN ngày càng phát triển bền vững.

Đến nay toàn huyện có 5 tổ chức Đảng với 16 đảng viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Bên cạnh đó, toàn huyện còn có 29 đảng viên làm việc trong các DN nhưng sinh hoạt ghép tại khu phố, ấp ở các xã, thị trấn. Liên đoàn Lao động huyện phát triển 21 tổ chức công đoàn cơ sở với tổng số gần 2.000 công đoàn viên. Đoàn Thanh niên thành lập 2 chi đoàn thanh niên công nhân trong DN với 46 đoàn viên; thành lập 1 chi hội thanh niên công nhân trong DN với 65 hội viên.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên