Thời gian qua, sự phát triển mạng lưới y tế tư nhân (YTTN) ở Bình Dương đã góp phần làm đa dạng các hình thức khám chữa bệnh cho người dân, phục vụ cho nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Không riêng gì Bình Dương mà còn các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, phát triển YTTN sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý Nhà nước cần sớm quan tâm ngay từ bây giờ...
Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao
Cuối năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tư nhân (BVTN) Á Châu được khánh thành và đưa vào sử dụng, nâng số BVTN trong toàn tỉnh lên 4 bệnh viện với tổng số khoảng 400 giường bệnh nội trú. Dự kiến trong năm 2010 sẽ có thêm 2 BVTN trên địa bàn huyện Thuận An đi vào hoạt động là BV Quốc tế Sản - Nhi Hạnh Phúc và BV Đa khoa Hoàn Hảo. Đồng thời cũng khởi công xây dựng BV Miền Đông (quy mô 1.000 giường) do Công ty Becamex IDC đầu tư.
Bên cạnh đó, các BV ngành như BV Quân đoàn 4 (đóng trên địa bàn huyện Dĩ An), BV Công ty Cao su Dầu Tiếng cũng đã phát huy có hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực. BV Công ty Cao su Dầu Tiếng 8 năm liền đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện, hàng năm khám chữa bệnh cho 150.000 lượt người, ngoài công nhân của công ty thì số người dân trong khu vực chiếm đến 50%, cả bệnh nhân ở một số địa phương của tỉnh Tây Ninh lân cận.
Sự phát triển các BVTN tạo cơ hội cho người dân có nhiều lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Các phòng khám ngoài giờ cũng là điều kiện để nhiều người không có thời gian có thể đi khám bệnh.
Thực tế cho thấy, các BVTN được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại và thái độ phục vụ được bệnh nhân hài lòng cao.
Tăng cường nhân lực và quản lý
YTTN phát triển đặt ra hai vấn đề chính, đó là bài toán nhân lực và vấn đề quản lý, giám sát hoạt động chuyên môn. Không chỉ khu vực tư nhân mà nguồn nhân lực cho cả y tế công lẫn tư đều trở nên nan giải vì hiện tại ngành đang rất “khát” nhân lực, nhất là trong bối cảnh tỉnh sẽ xây dựng thêm 4 BV chuyên khoa. Cụ thể, năm 2009 nhu cầu tuyển bác sĩ của ngành là 144 người nhưng chỉ tuyển được có 4 người. Nguyên nhân là do có sự chênh lệch về tiền lương và chính sách đãi ngộ giữa y tế công lập (YTCL) và ngoài công lập. Theo chúng tôi được biết, ở một bệnh viện tư có bác sĩ được trả lương 16 triệu đồng/ tháng, hơn gấp nhiều lần so với mức lương ở các bệnh viện công lập. Mức lương hấp dẫn sẽ thu hút nhân lực từ công sang tư và thực tế thời gian qua YTCL đã có hiện tượng “chảy máu chất xám”. Vì đầu tư thu lợi nhuận nên khám chữa bệnh tại các BVTN phải chịu chi phí cao hơn và những người dân không có điều kiện kinh tế không thể tiếp cận được.
Đây cũng là điều tất yếu, tuy nhiên vấn đề là trên mặt bằng chung phục vụ đa dạng cho người dân thì YTTN nói chung, nhất là các BVTN được hưởng những ưu đãi của chính sách xã hội hóa cần quan tâm đến việc hài hòa giữa lợi ích kinh tế của mình và lợi ích xã hội, dù là YTCL hay tư nhân thì mục đích chung vẫn là chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Dược sĩ Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, YTTN phát triển mạnh sẽ đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nên bên cạnh việc khuyến khích tạo điều kiện thì ngành cũng phải tăng cường quản lý chuyên môn, giám sát các điều kiện hoạt động. Mục đích là tạo nhiều lợi ích cho người dân.
Bên cạnh đó YTCL cần phải được đầu tư đồng bộ, từ cơ sở vật chất đến con người, nhất là phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Có như thế mới tạo được niềm tin nơi người dân.
ĐỨC LÊ