Phe nổi dậy Libya chia rẽ vì cái chết của thủ lĩnh

Cập nhật: 30-07-2011 | 00:00:00

Vụ Tướng Abdel Fatah Younes hôm 28-7 bị chính các đồng đội ám sát là một cú đấm chí tử đối với phe nổi dậy và NATO trong bối cảnh một loạt nước vừa công nhận phe nổi dậy là đại diện hợp pháp của Libya. Sự việc này một mặt bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phe nổi dậy Libya  mặt khác làm dấy lên hoài nghi về bản chất và năng lực thực sự của lực lượng này.

>>Thủ lĩnh phe nổi dậy Libya bị giết vì nghi phản bội

 Tướng Abdel Fatah YounesÔng Younes từng là Bộ trưởng Nội vụ của Tổng thống Gaddafi. Khi cuộc nổi dậy nổ ra hồi tháng 2, ông Younes đã nhanh chóng đưa lực lượng của mình chạy sang phe nổi dậy. Và ông đã được giao vị trí là thủ lĩnh hàng đầu của quân đội nổi dậy. Sự “đào ngũ” của Tướng Younes đã làm dấy lên hy vọng trong phe nổi dậy và liên minh quân sự phương Tây về việc họ sẽ sớm lật đổ được ông Gaddafi. Tuy nhiên, một số chiến binh nổi dậy vẫn nghi ngờ sâu sắc rằng ông Younes vẫn trung thành với Tổng thống Gaddafi. Đây chính là nguyên nhân gây ra cái chết thảm của ông này.

Chia rẽ và hoài nghi

Rõ ràng, việc Tướng Younes bị chính các đồng đội ám sát đã để lại hậu quả vô cùng lớn. Vụ việc này đã làm gia tăng hoài nghi, mâu thuẫn, chia rẽ và bất ổn trong phe nổi dậy.

Bộ trưởng Tarhouni đã nói với các phóng viên rằng: “Tất cả mọi việc đã trong tầm kiểm soát. Đây chỉ là một giai đoạn khó khăn mà chúng tôi đang đi qua và chúng tôi tin chắc chúng tôi sẽ vượt qua”.

Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người trong phe nổi dậy không nghĩ như ông Tarhouni.

Một sĩ quan lực lượng đặc nhiệm của phe nổi dậy dưới quyền chỉ huy của Tướng Younis cho biết, vị chỉ huy của anh đã bị bắt đi lúc rạng sáng ngày 27-7 tại phòng điều hành ở Zoueitina. Các chiến binh đến từ Lữ đoàn Chiến binh Tử vì đạo Ngày 17-2 đã đến phòng điều hành và yêu cầu Tướng Younis đi với họ để trả lời một số câu hỏi, sĩ quan có tên là  Mohammed Agoury cho biết.

 Theo Agoury, anh đã cố đi theo vị chỉ huy nhưng “ông Younis tin tưởng họ và đi một mình. Thay vào đó, họ đã phản bội chúng tôi và giết hại ông ấy".

Lữ đoàn Chiến binh Tử vì đạo Ngày 17-2 là một nhóm được lập nên từ hàng trăm dân thường muốn cầm súng chống ông Gaddafi. Các chiến binh của nhóm này tham gia chiến đấu với quân của Gaddaffi nhưng cũng giữ vai trò là lực lượng an ninh nội vụ của phe nổi dậy. Một số lãnh đạo của Lữ đoàn đến từ LIFG - một nhóm chiến binh Hồi giáo từng phát động một chiến dịch bạo lực chống chính quyền của ông Gaddafi những năm 1990.

Một sĩ quan thuộc lực lượng an ninh nội vụ của phe nổi dậy cho biết, họ đã ra lệnh bắt Tướng Younes sau khi một bức thư có liên quan đến tướng lĩnh của Gaddafi rơi vào tay họ. Tuy nhiên, sĩ quan này khẳng định họ không hề đưa ra lệnh giết Tướng Younes và vụ việc này chỉ là một hành động trả thù tự phát của một số chiến binh nổi dậy.

Theo lời kể của sĩ quan trên, ông Younis đã được đưa về thành trì Benghazi hôm 27-7 và bị giam giữ tại một căn cứ quân sự cho đến ngày 28-7 khi ông được lệnh triệu tập của Bộ Quốc phòng đến để thẩm vấn. Khi ông Younes cùng hai cố vấn rời căn cứ quân sự, hai chiến binh thuộc nhóm an ninh nội vụ dẫn giải ông Younes đã nhằm thẳng ông này bắn từ xe của họ. Vừa bắn, họ vừa gào lên rằng ông Younes là một kẻ phản bội đã giết hại cha của họ ở Derna, một thành phố phía đông từng là sào huyệt của nhóm LIFG.

"Chỉ huy của hai tay súng đã hét lên: ‘Không được làm thế’ nhưng họ đã bắn chết Tướng Younes và hai cố vấn rồi đưa thi thể các nạn nhân lên xe và lái đi", vị sĩ quan giấu tên cho biết thêm.

Các quan chức thuộc Hồi đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya hiện chưa đưa ra lời bình luận gì về lời kể của vị sĩ quan nhân chứng nói trên.

Trong khi đó, Agoury quả quyết Lữ đoàn Chiến binh Tử vì đạo Ngày 17-2 đã lên chương trình và kế hoạch nhằm chống lại Tướng Younes bởi vì khi còn làm việc dưới quyền của Tổng thống Gaddafi, ông Younes có tham gia vào một cuộc đàn áp đẫm máu nhóm LIFG.

 "Họ không tin tưởng bất kỳ người nào từng thuộc chính quyền của ông Gaddafi. Họ muốn trả thù", anh Agoury cho biết.

Một thành viên của Lữ đoàn Chiến binh Tử vì đạo Ngày 17-2 cho biết, họ có bằng chứng chứng tỏ ông Younes phản bội và sẽ công bố trong vài ngày nữa.

Phản ứng của các cường quốc

Phản ứng của các cường quốc ủng hộ phe nổi dậy trước cái chết của ông Younes nói chung đều khá thận trọng.

Anh, một trong những nước tham gia chính vào chiến dịch chống Gaddafi của NATO, đã lên án vụ ám sát Tướng Younes nhưng vẫn tỏ ra thận trọng. Người đứng đầu văn phòng đối ngoại Anh – ông Alistair Burt nói: “Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra. Vụ ám sát cần phải được điều tra toàn diện. Chúng tôi nhất trí, việc bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm gây ra vụ ám sát là vô cùng quan trọng.

Phát ngôn viên NATO Carmen Romero cho biết liên minh quân sự này chưa đưa ra lời bình luận gì về vụ việc. Trong khi đó, Pháp, cũng là một thành viên chính trong chiến dịch chống Gaddafi của phương Tây, cho biết, Pháp không nhận thêm được lệnh chiến đấu mới nào từ NATO kể từ khi tin tức về cái chết của ông Younes được loan đi. Pháp cho rằng sự vắng mặt của một cá nhân không phải là dấu hiệu của một sự thay đổi. Chiến dịch của NATO ở Libya dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và ‘Pháp sẽ không để các cá nhân làm ảnh hưởng đến cuộc chơi".

Tuy nhiên, tờ Le Monde của Pháp lại có quan điểm rất cứng rắn về vụ ám sát, cảnh báo rằng những vụ việc đó làm mọi người quan ngại và khiến người ta có lý do để “nghi ngờ năng lực của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia trong việc thực thi quyền lực” ở Libya. Điều này sẽ làm suy yếu sức mạnh của phe nổi dậy và đem lại lợi thế cho Tripoli.

Mỹ, nước cùng với hơn 30 quốc gia khác vừa mới công nhận tính hợp pháp của phe nổi dậy, thừa nhận cái chết của ông Younes là một cú giáng mạnh nhưng kêu gọi phe nổi dậy hãy đoàn kết.

 "Điều quan trọng lúc này là phe nổi dậy cần làm việc chăm chỉ và minh bạch để đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner cho biết ở thủ đô Washington.

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên