Phim “Chơi vơi” khiến khán giả Bình Dương... chới với!

Cập nhật: 22-01-2010 | 00:00:00

Bộ phim đoạt được giải thưởng FIRPRESCI của Hội phê bình điện ảnh quốc tế, gây tiếng vang lớn tại LHP Venise đã khiến không ít khán giả Bình Dương... chới với khi thưởng thức. Một thể tài quá lạ và một cách thể hiện quá mới khiến không ít khán giả hụt hẫng khi xem bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Xem phim “chơi vơi” khiến không ít người phải …chới với

“Chơi vơi” vừa kết, hệ thống đèn chiếu rạp Bình Minh vụt sáng trong sự nhốn nháo ở khu vực hàng ghế khán giả. Một sự hụt hẫng, nếu không muốn gọi là sốc sau khi xem bộ phim được nói quá nhiều trong thời gian qua. Trong thời tiết se lạnh của đợt áp thấp trái mùa, rất nhiều người đã đội mưa, vượt gió đến rạp Bình Minh để thưởng thức bộ phim gây tiếng vang lớn cho điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, cái nhận được sau 90 phút xem phim chỉ là một trạng thái lửng lơ, thất vọng.

Cần nhắc lại rằng “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là bộ phim Việt Nam đầu tiên đề cập đến đề tài tính dục. Và ngay ở lần đầu tiên đem quân tham dự LHP Venise, “Chơi vơi” đoạt được giải FRPRESS của Hội phê bình điện ảnh quốc tế. Nhưng đó là chuyện của “Chơi vơi” ở một LHP quốc tế. Thực tế là sau khi được Hãng phim Thiên Ngân mua bản quyền và lần đầu tiên công chiếu tại Việt Nam, “Chơi vơi” khiến cho khán giả trong nước toát mồ hôi hột khi xem mà cũng không có mấy người hiểu được, kể cả giới phê bình điện ảnh.

Phim gần như không có cốt truyện, được triển khai theo kiểu một bài thơ Haikư của Nhật. Tức là thiên về khả năng gợi cho người xem tùy hứng chiêm nghiệm và suy ngẫm. Điều đó có nghĩa, phim trở thành một câu hỏi đánh đố cho khán giả dòng phim thị trường Việt Nam. Khán giả Việt Nam nói chung và khán giả xem phim Bình Dương nói riêng không phải là những nhà phê bình phim nên khả năng chiêm nghiệm cũng... có hạn. Chính vì thế mà hết thảy đều phải chới với khi xem phim.

Phim là một câu chuyện có kết cấu lỏng, không có nút thắt, cốt truyện không rõ ràng, thậm chí diễn biến tâm lý của nhân vật có phần vô lý. Chẳng hạn, Hải là một tài xế taxi mới cưới vợ nhưng suốt phim không dám động chạm vào vợ vì sợ một khách hàng của mình xui xẻo trong việc cờ bạc (!?). Tờ rơi phim nói về đề tài đồng tính giữa Cầm, một nhà viết tiểu thuyết và Duyên vợ Hải nhưng suốt từ đầu đến cuối phim chả lấy đâu ra một chi tiết nào thể hiện sự đồng tính ấy khiến cho khán giả phải nhíu mày khó hiểu. Còn về quan hệ đồng tính nam giữa Hải với tay anh chị cờ bạc cũng không rõ ràng, chỉ là một vài cái hôn lên trán khi cao hứng vì thắng bạc.

Trong phim, chỉ có nhân vật Thổ là thể hiện tính dục cao nhất. Nhưng sự vô cảm của Thổ trước cái chết của Vi, người tình 6 năm chung sống cũng là một sự khó hiểu. Ngay cả cái chết của Vi cũng không có động cơ và nút thắt. Nhạt, đó chính là cảm giác khi xem phim “Chơi vơi”. Ngay cả trong diễn biến tâm lý của Duyên, một người đàn bà đầy ham muốn dục tính nhưng cưới phải một người chồng còn đang tuổi ăn tuổi ngủ như Hải cũng không thực sự logic. Đạo diễn không lột tả được động cơ nào đã đẩy Duyên rơi vào vòng tay của Thổ ngoài những lý do hết sức hời hợt.

Bỏ qua tất cả những ý niệm mơ hồ về cốt truyện và tình huống phim, “Chơi vơi” cũng khá đáng xem với những thước phim trầm, tối và những cảnh phim đặc trưng Hà Nội. Cảnh phố phường chen chúc, những con phố ẩm thấp, những cơn mưa khiến phố phường ngập tràn thành những dòng sông, cảnh Duyên và Cầm ngồi xông hơi, gội đầu bằng nước bưởi rất đặc trưng với văn hóa truyền thống Việt. Có lẽ đây là điều gây cảm tình với FIPRESSCI?

Dẫu sao thì “Chơi vơi” cũng rất đáng xem. Đáng xem đối với những khán giả thích chiêm nghiệm, trải nghiệm tâm lý từng nhân vật. Nhưng nên nhớ, rời rạp xin đừng... chới với vì chẳng hiểu mô tê gì về cốt truyện của phim.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên