Phòng chống bệnh tay - chân - miệng tại hộ gia đình

Cập nhật: 30-09-2011 | 00:00:00

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) là bệnh do vi rút gây ra. Bệnh có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Vi rút thường gây sốt, đau họng và mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và hồi phục trong vòng 7 - 10 ngày. Bệnh do vi rút đường ruột gây ra (EV). Thường gặp là nhóm Coxackie vi rút, Entero vi rút týp 71 (EV71) có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Tại Việt Nam, tình hình dịch tễ học bệnh TCM diễn biến phức tạp, EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh TCM. 

Hướng dẫn trẻ rửa tay phòng chống bệnh tay - chân - miệng ở trường mầm non

Vi rút gây bệnh TCM chủ yếu lây theo đường tiêu hóa, có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vi rút tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Vi rút thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm vi rút thường dễ truyền bệnh cho người khác trong tuần đầu mắc bệnh. Vi rút gây bệnh TCM có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần, sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể lây truyền bệnh cho người khác.

Cách nhận biết bệnh:

Giai đoạn sớm từ 1 đến 2 ngày đầu trẻ có các dấu hiệu: sốt nhẹ, mệt mỏi, khó chịu, đau họng, chán ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Khoảng 2 ngày sau giai đoạn sớm, trẻ xuất hiện các đốm đỏ trong miệng: ở niêm mạc, nướu răng, lưỡi. Các đốm đỏ chuyển dần thành nốt bọng nước, vỡ ra thành các vết loét khiến trẻ đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, chảy nước miếng nhiều.

Sau đó, xuất hiện các nốt ban phẳng, dẹt, màu đỏ ở da lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, gối. Các nốt ban chuyển dần thành bọng nước, đường kính từ 2- 10mm, dịch trong đôi khi đục, hình bầu dục, không đau, khi lành không để lại sẹo.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu như các đốm đỏ ở miệng hoặc nốt ban ở da như trên, hãy đưa trẻ đến bệnh viện tuyến huyện trở lên để được chẩn đoán sớm, hướng dẫn điều trị, chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu nặng tại nhà.

Điều trị tại nhà cho trẻ:

Chỉ điều trị bệnh TCM tại nhà khi có kết luận của bệnh viện là trẻ mắc bệnh TCM ở mức độ nhẹ, nghĩa là chỉ có loét miệng hoặc tổn thương da (tương đương với độ I của lâm sàng).

Điều trị tại nhà khi trẻ được kết luận là mức độ nhẹ (độ I). Dinh dưỡng: Trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Đối với trẻ lớn, cho ăn loãng, dễ tiêu, năng lượng cao, chia thành nhiều bữa trong ngày, uống nhiều nước. Hạ sốt khi sốt cao (trên 38 độ C) bằng paracetamol đơn thuần, liều 10mg - 15mg cho 1kg cân nặng của trẻ cho một lần uống, lặp lại mỗi 6 giờ cho đến khi trẻ hết sốt. Vệ sinh răng miệng cho trẻ: ngậm nước muối, dung dịch sát khuẩn...  nếu trẻ lớn. Vệ sinh các nốt bọng nước, vết loét ngoài da bằng nước muối sinh lý, dung dịch Milian. Đưa trẻ đi tái khám mỗi 2 ngày 1 lần, trong vòng 10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt, ít nhất 2 ngày (48 giờ).

Theo dõi sát các dấu hiệu trở nặng của trẻ, đưa trẻ đi khám ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao từ 39 độ C trở lên; thở nhanh hoặc khó thở; trẻ giật mình, lừ đừ, run tay chân, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê.

Phòng bệnh:

Tại gia đình có trẻ mắc bệnh:

+ Tại nhà, trẻ bị bệnh phải được cách ly, cho trẻ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác (nếu được); hoặc che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

+ Phân và các chất thải của trẻ bệnh phải được khử khuẩn bằng chloramin B 2%; quần áo, chăn màn dụng cụ của trẻ bệnh phải được khử khuẩn bằng cách đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%;

+ Người chăm sóc trẻ bệnh: thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ. Hạn chế hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bệnh.

+ Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM, không cho trẻ tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ khác như đến lớp, đi bơi,... Thời gian trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.

+ Khi trẻ hết bệnh nhưng cũng có thể là nguồn lây bệnh cho người khác qua phân, dịch tiết... do đó nên tiếp tục xử lý chất thải đúng quy định, nhất là phân.

+ Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho cơ quan y tế.

Phòng bệnh tại hộ gia đình chưa có người mắc bệnh:

Hiện nay, bệnh TCM không có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh có thể giảm thiểu bằng vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

- Tại gia đình, thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, ít nhất 2 lần trong ngày và giữ vệ sinh các khu vực xung quanh.

- Không nên đưa trẻ đến các khu vực: trường mầm non, nhà mẫu giáo, chăm sóc trẻ nếu các khu vực này đã bị nhiễm bệnh.

- Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung muỗng (thìa), chén (bát).

- Tránh tiếp xúc gần (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng trong nhà) với người đã bị mắc bệnh.

- Khi đến các nơi công cộng, nơi đông người như nhà trẻ, bến xe, nhất là bệnh viện nên mang khẩu trang; trước khi về nhà nên rửa tay sạch bằng xà phòng, rửa tay đúng cách trước khi chế biến thức ăn hoặc chăm sóc trẻ...

BS Nguyễn Thị Bạch Tuyết

(Trung tâm TTGDSK tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên