Phòng chống dịch heo tai xanh: Kinh nghiệm từ Phú Giáo

Cập nhật: 02-11-2010 | 00:00:00

Trong đợt dịch heo tai xanh (HTX) vừa qua, huyện Phú Giáo là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau đợt dịch đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra.

100% xã, thị trấn hết dịch

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo đã có 11/11 xã, thị trấn qua 21 ngày không xuất hiện dịch bệnh và huyện đang làm các thủ tục để xin công bố hết dịch. Điều này có được là do huyện Phú Giáo đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ cho người chăn nuôi heo bị thiệt hại. Tuy dịch bệnh đã đi qua nhưng đến nay người chăn nuôi vẫn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh ngay tại các cơ sở chăn nuôi. Trong đợt dịch vừa qua, huyện Phú Giáo đã phải tiêu hủy gần 112 tấn HTX. Số tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi heo bị dịch trên địa bàn huyện cho đến thời điểm này là gần 2 tỷ 800 triệu đồng, đạt 100% khối lượng. Song song với việc thực hiện tốt công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi, huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin; phun xịt 2.500 liều thuốc sát trùng tại các điểm chăn nuôi, chợ, cơ sở giết mổ, trạm kiểm dịch. Đặc biệt thời gian qua huyện cũng đã tiêm thử nghiệm 2.000 liều vắc-xin phòng bệnh HTX cho đàn heo trên địa bàn huyện. Cho đến nay đàn heo được tiêm vắc-xin này vẫn đang phát triển bình thường và có tính ổn định cao.

 

Đầu tư nâng cấp chuồng trại, một trong những yếu tố phòng chống dịch tốt hơn

Sau đợt dịch, công tác tái đàn đã được nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu chú ý. Tuy nhiên hiện nay công tác tái đàn chỉ diễn ra trên các trang trại chăn nuôi lớn. Việc tái đàn này được các trang trại thực hiện thường xuyên theo yêu cầu sản xuất chứ không phải tái đàn do bị dịch vì dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến các trang trại chăn nuôi lớn này. Còn tại các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi hộ gia đình thì người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn do lo ngại dịch bệnh sẽ lại bùng phát và gây thiệt hại. Anh Hiếu, ngụ tại xã An Bình cho biết: “Đợt dịch vừa rồi gia đình tôi cũng bị thiệt hại khá nặng. Nghe theo khuyến cáo của cơ quan thú y gia đình tôi vẫn chưa cho tái đàn và cần nghiên cứu lại việc lựa chọn giống, xây dựng chuồng trại để dịch bệnh không xảy ra”. Theo khuyến cáo thì thời hạn tối thiểu để tái đàn là từ 3 -6 tháng. Với các hộ bị thiệt hại nhẹ thì có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để thực hiện. Có thể thấy qua đợt dịch bệnh vừa qua, ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi đã được nâng lên. Điều đó được chứng minh qua việc nhiều hộ chăn nuôi đã nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn con giống tại các cơ sở sản xuất heo giống lớn, có uy tín và xây dựng chuồng trại hợp lý hơn.

Những bài học từ Phú Giáo

Tuy là huyện chịu thiệt hại nặng từ dịch bệnh nhưng Phú Giáo cũng là một trong những địa phương hết dịch đầu tiên. Dịch bệnh đã đi qua và nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết. Ông Phạm Văn Chiến - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Giáo cho biết: “Bài học kinh nghiệm lớn nhất của Phú Giáo trong đợt chống dịch bệnh vừa qua là thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch bệnh để người dân không sợ dịch, không giấu dịch, phối hợp tốt với cơ quan thú y; công tác tổ chức cần thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng từ trên xuống dưới để dân tin và không xảy ra tiêu cực; vai trò chủ động, tích cực của lực lượng thú y, lãnh đạo các địa phương sâu sát xuống đến tận người dân”. Một bài học kinh nghiệm nữa là do thực hiện tốt, kịp thời chính sách chi trả tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi để họ có điều kiện trang trải các chi phí phòng bệnh cũng như có nguồn vốn tái đàn  mà người chăn nuôi đã tin tưởng, không giấu dịch, hợp tác chặt chẽ với cơ quan thú y. Chính từ việc thực hiện tốt công tác chi trả này mà người chăn nuôi đã không bán chạy heo bệnh cho các thương lái và điều này cũng góp phần rất tích cực trong công tác hạn chế dịch bệnh.

Trong tình hình chăn nuôi phát triển, dịch bệnh đang gây áp lực lớn cho ngành. Để có thể hạn chế tối đa dịch bệnh thì cần phải có quy hoạch cụ thể cho chăn nuôi. Trong đó quy hoạch chăn nuôi tập trung có thể xem là một trong những giải pháp lâu dài và căn cơ cho tiến trình phát triển ổn định. Bên cạnh đó cũng nhất thiết phải đưa ra các tiêu chuẩn, các điều kiện cho chăn nuôi nhỏ lẻ như các quy định về khoảng cách, tiêu chuẩn chuồng trại như là tại các trang trại chăn nuôi lớn. Chăn nuôi nhỏ lẻ cũng cần phải đăng ký và thực hiện đầy đủ các quy định của các cơ quan chuyên ngành.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên