Phòng, chống tai nạn điện mùa mưa: Khẩn trương xóa “mạng nhện” trên cột điện

Cập nhật: 05-09-2020 | 08:06:58

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn điện dẫn đến chết người mà nguyên nhân ban đầu có liên quan đến cáp viễn thông. Trước tình trạng trên, các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục tình trạng cáp viễn thông treo trên tụ điện không bảo đảm an toàn.

Đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống lưới điện cao áp để đề phòng sự cố điện vào mùa mưa. Ảnh: MINH DUY

Khắc phục tồn tại

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ (giảm 2 vụ so với cùng kỳ) tai nạn điện làm 7 người chết, 5 người bị thương. Trong đó có 2 vụ liên quan đến cáp viễn thông lắp đặt không an toàn. Gần đây nhất vào khoảng 22 giờ ngày 18-8, chị Hồ Thị Xuân Đ. (19 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) điều khiển xe máy chở theo một bé trai 2 tuổi và người một phụ nữ lưu thông trên đường Tô Vĩnh Diện (khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, TP.Dĩ An), khi đến trước hẻm 129 thì bị ngã xe vào hố nước cạnh trụ điện và bị điện giật.

Phát hiện sự việc, người dân nhanh chóng ngắt cầu dao điện đưa 3 nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên chị Đ. không qua khỏi. Tại hiện trường xảy ra vụ việc có nhiều dây cáp viễn thông được câu móc chằng chịt trên trụ điện, xen lẫn với đồng hồ điện, dây điện sinh hoạt của các hộ dân gần đó.

"Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai đầu tư gần 40 tuyến đường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An… Đối với các tuyến đường chưa có kế hoạch mở rộng, nâng cấp vỉa hè mạng cáp viễn thông cũng sẽ tiếp tục được treo chung trên hệ thống cột điện. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện hạ ngầm các tuyến cáp tại các tuyến đường đã đầu tư hạ tầng ngầm”.

(Ông Lê Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT)

Trước đó vào ngày 2-6, trên đường Bùi Hữu Nghĩa (khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP.Thuận An) cũng xảy ra một vụ tai nạn điện gây chết người. Vào thời điểm trên, ông Hoàng Văn Ng. (40 tuổi) đứng trước cửa nhà thì dây cáp viễn thông kéo ngang qua nhà ông bất ngờ bốc cháy, rơi xuống đường khiến ông chết thương tâm.

Theo cơ quan chức năng, dây cáp viễn thông được sử dụng để truyền tín hiệu trong hoạt động viễn thông nên không thể gây hại cho người dân khi chạm vào. Tuy nhiên, việc dây cáp viễn thông được treo móc trên trụ điện trong một thời gian dài có thể bị mài mòn lớp vỏ bảo vệ, từ đó có thể nhiễm nguồn điện bị rò rỉ dẫn đến tai nạn điện. Thực tế theo ghi nhận của P.V, mặc dù lực lượng chức năng đã thực hiện việc bó cáp viễn thông treo trên trụ điện nhưng sau một thời gian, tình trạng “mạng nhện” cáp viễn thông vẫn tái diễn. Cụ thể các tuyến đường trên địa bàn TP.Thuận An như Đồng An, ĐT743C, Bình Hòa 25 (phường Bình Hòa), 22-12, Thủ Khoa Huân (phường Thuận Giao)… dây cáp viễn thông sà xuống mái nhà dân, thậm chí một số đoạn cáp viễn thông còn đi lồng vào trong bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố về điện. Tương tự, các tuyến đường Nguyễn Trãi, ĐT743B, quốc lộ 1K (TP.Dĩ An)… cũng có tình trạng cáp viễn thông treo móc trên trụ điện không bảo đảm mỹ quan đô thị. Đáng chú ý có nhiều sợi cáp viễn thông không còn sử dụng nhưng lại không được thu gom hoặc quấn thành cuộn tròn như “tổ chim” treo lủng lẳng trên trụ điện.

Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh

Gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp PCBD làm việc với các đơn vị viễn thông để triển khai những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng treo cáp thông tin, viễn thông trên trụ điện lực chằng chịt gây mất an toàn, nguy hiểm cho công nhân ngành điện cũng như người dân. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT thống nhất và đề nghị PCBD phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Dịch vụ điện lực Bình Dương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc treo cáp viễn thông trên trụ điện để kịp thời phát hiện vị trí mất an toàn và thông báo ngay cho các đơn vị treo cáp để khắc phục trong thời gian sớm nhất; đồng thời giám sát quá trình khắc phục của đơn vị treo cáp, thông báo về cho Sở TT&TT khi phát hiện các đơn vị cố tình không khắc phục theo yêu cầu để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị quản lý mạng cáp viễn thông phục vụ quốc phòng - an ninh, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với PCBD trong việc bảo đảm an toàn cho mạng cáp viễn thông treo trên trụ điện lực; kịp thời xử lý các vị trí mất an toàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc triển khai mạng cáp viễn thông không bảo đảm quy chuẩn, gây mất an toàn. Ông Lê Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: “Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng, mạng cáp viễn thông để kịp thời cung cấp dịch vụ cho người dùng. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” để kịp thời cung cấp dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu của người dùng trong lúc các loại hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là tại các khu dân cư tự phát, khu đô thị cũ dẫn đến tình trạng mạng cáp viễn thông treo móc chằng chịt, gây mất mỹ quan đô thị và thiếu an toàn. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở TT&TT đã tham gia góp ý cho nội dung quy hoạch hạ tầng thông tin liên lạc đối với các đồ án quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị; trong đó yêu cầu chủ đầu tư phải đầu tư hạ tầng thông tin liên lạc theo hình thức ngầm. Từ năm 2013 đến 2016, Sở TT&TT đã phối hợp với PCBD và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện việc chỉnh trang, bó gọn mạng cáp viễn thông trên 200km. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch để từng bước hạ ngầm các tuyến cáp viễn thông. Tuy nhiên, do mạng cáp quá rộng và kinh phí đầu tư hạ tầng ngầm cáp viễn thông rất lớn, nên việc đầu tư hạ ngầm sẽ thực hiện từng bước, ưu tiên các tuyến đường trọng điểm và sẽ triển khai đồng bộ với các dự án đầu tư, nâng cấp vỉa hè, chỉnh trang đô thị của địa phương”.

Trong khi đó, đại diện PCBD cho biết các đơn vị điện lực trực thuộc PCBD đã tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch xử lý những dây hạ áp bó chung với cáp viễn thông gây mất an toàn trên lưới điện; xử lý dây hạ áp sau công tơ vượt đường giao thông không bảo đảm độ cao an toàn và xử lý sau cơ điện khách hàng đi chung trụ điện lực để bảo đảm an toàn. Hiện các đơn vị đang tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông có cáp treo trên trụ điện lực để thống nhất kế hoạch và phân công nhiệm vụ từng nhà mạng chịu trách nhiệm xử lý những tuyến cáp không bảo đảm an toàn trên địa bàn quản lý. 

Để chủ động xử lý tình trạng bất cập trong hoạt động treo cáp viễn thông, Sở TT&TT cho biết đã phối hợp với Hệ thống đường dây nóng 1022 Bình Dương tiếp nhận thông tin sự cố, phản ánh hiện trường bất cập của các tuyến cáp viễn thông do người dân cung cấp và chuyển ngay thông tin đến các doanh nghiệp viễn thông để có phương án xử lý kịp thời. Vì vậy, Sở TT&TT đề nghị người dân khi phát hiện sự cố hoặc thấy tình trạng bất cập về cáp viễn thông gây mất mỹ quan, thiếu an toàn vui lòng gọi vào số điện thoại 1022 (điện thoại bàn) hoặc 0274-1022 (điện thoại di động) hoặc sử dụng ứng dụng 1022-Bình Dương trên điện thoại thông minh để phản ánh và cung cấp vị trí chính xác sự cố, hiện trường cáp viễn thông bất cập để các doanh nghiệp viễn thông kịp thời xử lý.
Ngoài ra, Sở TT&TT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các doanh nghiệp viễn thông không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về mạng cáp ngoại vi viễn thông.

NGUYỄN HẬU

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
mùa mưa

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên