Phòng ngừa bệnh loãng xương ở người cao tuổi

Cập nhật: 06-10-2010 | 00:00:00
Hiện  nay, khi mức sống và tuổi thọ con người ngày càng cao thì bệnh loãng xương (LX) cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn. Đã có những thống kê cho thấy LX ở phụ nữ sau mãn kinh và xốp xương ở người già chiếm khoảng 90% các trường hợp. Việc điều trị LX gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Đặc biệt là những biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người cao tuổi... Những thông tin cơ bản về bệnh LX do bác sĩ Nguyễn Minh Lễ (Trưởng trạm Y tế xã Bình Nhâm, Thuận An) cung cấp sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh và các biện pháp phòng bệnh.

LX là một bệnh lý của hệ thống xương, làm giảm đồng thời chất nền và chất khoáng của xương, khiến sức chống đỡ và chịu lực của xương giảm. Xương trở nên yếu và dễ gãy.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh LX như do di truyền, do chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng (lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động) hay do mắc các bệnh nội khoa như bệnh đường tiêu hóa gây chán ăn, kém hấp thu thức ăn... Ngoài ra bệnh LX còn do dùng một số loại thuốc như: điều trị bằng thuốc Corticoide kéo dài, dùng kháng sinh đông máu Héparin, hóa trị liệu ung thư...

 Triệu chứng của bệnh LX (thường chỉ xuất hiện khi giảm hơn 30% khối lượng xương, có thể xảy ra từ từ hay đột ngột sau chấn thương nhẹ) như:

Đau xương: thường đau âm ỉ, đau nhiều khi vận động, xoay trở, ngồi xuống hay đứng lên. Đau toàn thân, nhất là các vùng chịu tải của cơ thể như cột sống thắt lưng, chậu hông... có khi đau lan xuống đùi, mặt sau cẳng chân, bàn chân...

Biến dạng cột sống: gù vẹo cột sống do các đốt sống lún xẹp (thường gặp ở các đốt sống lưng), giảm chiều cao, đau và hạn chế các động tác cúi, ngửa, nghiêng, quay.

Nếu bệnh tiến triển, các triệu chứng của bệnh ngày càng tăng dần, người bệnh đứng trước nguy cơ bị gãy xương, xẹp đốt sống gây chèn ép thần kinh. Bệnh LX có thể gây tàn phế và tử vong.

Phòng ngừa bệnh loãng xương:

Thông thường, phòng ngừa bệnh LX bằng cách đi kiểm tra mật độ canxi trong xương định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện nguy cơ và bổ sung canxi kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương do thiếu trang thiết bị nên còn hạn chế khả năng tầm soát bệnh. Bệnh LX có thể được phòng ngừa tốt bằng việc duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý. Ăn uống đầy đủ các khoáng chất và vitamine, tập thể dục thường xuyên; tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu, ít vận động, tự uống thuốc kéo dài mà không có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Không mang vác quá nặng để giảm sự trì đè, tăng áp lực lên cột sống và đầu xương. Đối với người lớn tuổi cần hết sức tránh bị té ngã vì khi xương đã bị loãng sẽ dễ gãy, và khi gãy rất khó lành. Việc bất động để điều trị gãy xương cũng là nguy cơ của nhiều bệnh lý khác.

Các loại thuốc chữa bệnh LX thường có tác dụng phụ, vì vậy cần lưu ý trước khi sử dụng. Tốt nhất nên theo tư vấn của bác sĩ để thay thế thuốc khác hoặc giảm liều.

ĐỨC LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên