Phong trào thể dục thể thao tỉnh: Phát triển thể thao quần chúng đến thành tích cao
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO) Với quan điểm “Thể thao quần chúng là nền tảng, là cơ sở còn thể thao thành tích cao là vị thế, là chỉ tiêu của một nền thể thao phát triển”, thời gian qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh không ngừng lớn mạnh, phát triển đa dạng cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và vị thế của thể thao tỉnh nhà.
Bóng chuyền đã trở thành môn thi đấu truyền thống của TP.Thủ Dầu Một
Hấp dẫn thể thao phong trào
Những ngày cuối tuần trong những tháng đầu năm 2018, đi đến các địa phương trong tỉnh, điều dễ dàng nhận thấy đó là tinh thần tham gia tập luyện thể thao của người dân để tham gia Đại hội TDTT cấp xã, huyện, chuẩn bị lực lượng cho đại hội cấp tỉnh. Có chứng kiến được một trận bóng hay, hoặc một buổi thi đấu võ thuật, cờ tướng của Đại hội TDTT cấp xã, cấp huyện mới thấy hết được tinh thần tham gia và niềm đam mê thể thao của người dân. Cũng nhờ tinh thần tham gia nhiệt tình đó, đại hội TDTT cấp xã, huyện đã thành công rực rỡ làm tiền đề cho Đại hội TDTT cấp tỉnh đang diễn ra.
Song song với tham gia thi đấu mùa đại hội, hàng ngày, hàng tuần những “vận động viên” không chuyên còn tích cực tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe. Do đó, vào mỗi sáng sớm, hay chiều tối trên các tuyến đường, phòng tập, câu lạc bộ thể thao dễ dàng bắt gặp họ đang tập luyện hăng say với môn xe đạp, cầu lông, bóng bàn, bóng đá… Cũng từ niềm đam mê dành cho thể thao của quần chúng nhân dân, các giải đấu của các địa phương ra đời để họ được so tài, trao đổi kinh nghiệm. Ông Đỗ Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, những năm gần đây, số lượng gia đình, số người tập luyện thể thao tăng. Bên cạnh đó, hàng năm các địa phương tổ chức trên 500 cuộc thi đấu thể thao. Toàn tỉnh có 902 câu lạc bộ thể thao cơ sở với các môn phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân. Phong trào tập luyện thể thao ngày càng được khơi dậy trong đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang. Xét sự phát triển môn thể thao phù hợp, hiện một số địa phương chú trọng đầu tư và phát triển những môn thể thao truyền thống để tạo thương hiệu riêng cho đơn vị mình như: Đua thuyền (TX.Tân Uyên), cờ tướng - bóng chuyền (TP.Thủ Dầu Một), kéo co - đẩy gậy (huyện Phú Giáo)…
Thể thao thành tích cao nâng dần vị thế
Cùng với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao Bình Dương cũng có những bước phát triển mạnh. Năm 2017, các vận động viên (VĐV) Bình Dương tham gia thi đấu 131 giải, trong đó 24 giải quốc tế, 79 giải quốc gia, 42 giải cụm, khu vực mở rộng, kết quả đạt 734 huy chương các loại. Riêng SEA Games 29, VĐV Bình Dương đã góp 6 huy chương (2 HCV, 4 HCĐ) để đưa đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn... Ngoài việc đầu tư các môn thể thao “mũi nhọn”, Bình Dương còn tập trung phát triển 23 môn thể thao có thể mạnh như bóng chuyền, quần vợt, xe đạp, thể hình, cờ tướng. Trong đó, có những môn đội tuyển thể thao tỉnh đạt huy chương cấp quốc tế và châu lục. Bên cạnh tích cực tham gia thi đấu, việc chuẩn hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị bước đầu đáp ứng nhu cầu tập luyện của các VĐV, đồng thời phục vụ công tác tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế.
Ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, nhận thức tầm quan trọng của công tác TDTT, ngành đã và đang thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy mạnh sự nghiệp TDTT của tỉnh ngày càng phát triển theo đúng định hướng. Thông qua phát triển phong trào tập luyện TDTT quần chúng đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, đồng thời có điều kiện sàng lọc và bổ sung được nhiều hơn nữa những VĐV có năng khiếu cho thể thao của tỉnh, làm nền tảng cho thể thao thành tích cao phát triển.
THIÊN LÝ