Phú An rợp bóng tre làng

Cập nhật: 25-11-2013 | 00:00:00

Bài 1: Nâng tầm giá trị cây tre

Nói đến Phú An, Bến Cát, Bình Dương không ai không nghĩ đến cây tre, một biểu tượng đẹp của người Việt Nam và cũng không quên nhắc đến tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, người dành trọn tâm huyết, cuộc đời vì tre, đem thương hiệu tre Phú An đi khắp năm châu bốn biển.  

Một góc làng tre Phú An

Đầu tháng 11-2013, chúng tôi quay lại vùng đất Tam giác sắt mới hay làng tre đang chuẩn bị một cuộc triển lãm lớn với chủ đề “Tranh mô tả và những thành tựu nghiên cứu khoa học về cây tre” vào ngày 6-11-2013. Triển lãm tập trung với các chủ đề: Vai trò cây tre với biến đổi khí hậu, vai trò kinh tế cây tre… Triển lãm thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các họa sĩ Pháp và những nhà khoa học đến từ Bảo tàng tự nhiên Paris. Làng tre cũng chào đón hàng chục đoàn khách tham quan trong và ngoài nước.

Khu Bảo tàng sinh thái tre và Bảo tồn thực vật (làng tre Phú An) - một trong số 25 dự án trên thế giới đã được tổ chức UNDP (Liên hiệp quốc) trao giải thưởng Xích đạo vào đúng thời điểm Năm quốc tế về Đa dạng sinh học 2010.

 

Quả thật, với làng tre nổi danh khắp châu Á, đi vào bàn nghị sự của Liên hiệp quốc trong các hội thảo quốc tế về chống biến đổi khí hậu trái đất, chúng tôi nhiều lần đặt chân đến, nhưng mỗi lần đến làng tre Phú An đều mang lại cho chúng tôi những cảm xúc khác nhau. Vẫn là những con người cần mẫn: Giáo sư Jacques Gurgand tận tụy kiệm lời, vẫn tiến sĩ Hạnh cùng những học viên, nhân công say mê với những thí nghiệm dở dang.

Chỉ vài câu chào hỏi, chúng tôi nhanh chóng tìm đến văn phòng Ban Giám đốc trả lại không khí tĩnh lặng cho họ trọn kế hoạch công trình đánh giá tác động môi trường đến cây tre. Vì là ngày giữa tuần nên anh hướng dẫn viên du lịch đi vắng, chỉ còn lại người trực là Nguyễn Thị Minh Tâm, một nhân viên kế toán.

Dù chỉ là một nhân viên kế toán nhưng cô thuộc lòng những loài tre, cũng như những giai thoại về tre không thua kém một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Tâm bảo, ở đây ai cũng yêu quý tre như yêu quý người thân ruột thịt. Nhìn thấy những giống tre được sưu tầm từ khắp nơi trên dải đất hình chữ S đang phát triển, lá non xanh mượt ai cũng vui. Tre ở Khu bảo tồn sinh thái Phú An lúc nào cũng được thương yêu, chăm sóc từng li từng tí “như người tình”. Bởi thế, chỉ cần 2 năm không ghé lại, chúng tôi sẽ không tránh khỏi cảm giác vừa quen, vừa lạ, như vừa đứng trước sự thay đổi của một cô bé hàng xóm bước qua tuổi đôi mươi…

Bén rễ vùng chiến khu xưa, quả thật tre lớn nhanh hơn tôi nghĩ. Tre rợp bóng trên những đường làng, vươn mình chăm chút, san sẻ, bảo bọc nhau trên những lối mòn in nét hình ảnh làng quê yêu dấu. Tre không còn mọc thành bụi lúp xúp mà trải dọc thành hàng, nối dài men theo những lối đi. Tôi chợt nhớ đến lời nói của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Khu bảo tồn sinh thái Phú An, chủ nhân làng tre, lúc bà trình bày dự án của mình với lãnh đạo tỉnh Bình Dương vào khoảng năm 2000, bà sẽ giúp Phú An phủ đầy tre, nhà nhà làm giàu từ cây tre. Dù đến thời điểm này người dân nơi đây chỉ mới thoát nghèo chứ chưa thể làm giàu từ tre, nhưng làng tre đã mang lại những giá trị to lớn về môi trường, môi sinh và bảo tồn nguồn gien, tính đa dạng sinh học của một loài thực vật đặc hữu cho tính cách của người Việt Nam.

Đang chìm đắm vào những ký ức tuổi thơ được gợi lại từ mảng xanh ngút mắt của những bờ tre uốn lượn theo con đường làng rợp mát, chúng tôi bị “đánh thức” bởi lời giới thiệu của Tâm. Theo kế hoạch dự án giữ nguyên lối mòn là con đường đất, để giữ nét đẹp của làng quê thân thương. Nhưng du khách cứ phàn nàn đất dính giày, dép nên tỉnh, huyện cấp ngân sách bê tông hóa lối đi. Dù đường đất hay lối mòn phủ bê tông, người xem không khỏi đắm lòng bên những hàng tre như những mái vòm xanh um rì rào ru mát. Tre buông mình trên đất la đà như muốn khoe sự thon thả, mềm mại, dẻo dai của mình. Tha thẩn bước trên mặt đất khô vang rền những thanh âm lao xao được tạo ra từ xác lá tre khô, tôi dán mắt vào đôi bướm vàng đen chao lượn giữa những khóm tre, nghe tre rì rào gọi gió.

Cô hướng dẫn viên không chuyên cho biết, ở đây có khoảng 130 giống tre với 300 loại mẫu tre khác nhau. Bộ sưu tập tre có nhiều giống quý hiếm như tre vuông, mai ống, tre vàng sọc, luồng (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh)... Trong làn gió lùa mát rượi, đi dưới những tàn tre xanh, không chỉ mãn nhãn với đủ loại họ hàng nhà tre, mà còn được tận mắt nhìn thấy hoa tre - thứ hoa quý hiếm mấy chục năm mới trổ một lần.

Tâm cho biết, dù sống ở quê hương cây tre nhưng đây là lần đầu tiên gặp tre ra hoa. Nụ hoa thon dài và cứng cáp trông tựa những búp măng nhỏ xếp chồng lên nhau. “Một trong những mục đích xây dựng làng tre - tên gọi chính thức là Khu bảo tồn sinh thái Phú An - là góp phần giúp du khách mở mang kiến thức và lợi ích từ cây tre mang lại, nên từng loài tre tại vườn đều có tên riêng gắn trên thân tre khắp nơi trong làng. Để tạo thêm cảm giác gần gũi, ấm áp của làng quê Việt Nam, làng tre còn xây dựng những dòng kênh, con đò, cầu khỉ, vó lưới cá ven bờ... giống mô hình đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ. Ngoài ra, còn có cả dự định xây dựng mô phỏng mô hình đất nước Việt Nam thu nhỏ, nhưng kinh phí không có nên chưa triển khai được”, Tâm cho biết.

Không chỉ có tre, khu bảo tồn này còn có những vườn hoa lá tươi nở bốn mùa, khu vườn ươm nhiều giống lan thơm ngát ong bướm dập dìu, có khu giải trí giúp du khách tìm hiểu những nhạc cụ làm từ tre.

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Phú An đã từng bước hình thành và ngày một tươi đẹp hơn, thu hút không chỉ du khách trong nước mà đông đảo du khách nước ngoài cũng náo nức tìm về. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 10.000 du khách đến tham quan làng tre, trong đó có nhiều đoàn khách là sinh viên công nghệ sinh học, nhà thực vật học từ khắp nơi trên thế giới đến thăm và tiến hành những công tác nghiên cứu. Đối với những đôi uyên ương ở địa phương hoặc vùng lân cận như TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai thì làng tre Phú An là một địa điểm lý tưởng để họ thực hiện những khung hình lãng mạn trong ngày cưới.

Ngoài tác dụng tái tạo cảnh quan, môi trường của vùng đất cằn cỗi của khu Tam giác sắt nổi tiếng trong chiến tranh, làng tre Phú An đang bắt đầu tiến tới việc khai thác, giới thiệu những lợi ích của cây tre trong đời sống thường ngày, từ các dụng cụ như giường, bàn ghế, nôm, thúng, rổ... đều làm từ tre, cho đến một công dụng bất ngờ khác. Đó là cây tre trực tiếp tham gia vào việc cải thiện môi trường nước, đất và không khí ở những khu vực sản xuất công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm. Một trong những công ty ứng dụng hiệu quả lợi ích “làm sạch môi trường” của cây tre là Công ty thuộc da Sài Gòn Tan Tec (KCN Việt Hương II, huyện Bến Cát).

Nhờ sử dụng cây tre từ làng tre Phú An do tiến sĩ Mỹ Hạnh cung cấp để làm sạch nước thải sau quá trình sản xuất thuộc da và tái sử dụng lại, Công ty Sài Gòn Tan Tec đã giảm được không ít chi phí sản xuất. Đặc biệt, năm 2010, nhờ sử dụng công nghệ làm sạch từ cây tre của tiến sĩ Mỹ Hạnh, công ty này được Ban tổ chức giải thưởng “Energy Efficiency Award” (hiệu quả năng lượng) của Cộng hòa Liên bang Đức trao tặng giải nhì nhờ thực hiện thành công và nhất quán trong việc áp dụng giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực sử dụng công nghệ năng lượng và môi trường. Theo đánh giá của Ban tổ chức giải thưởng, giải pháp mà Sài Gòn Tan Tec áp dụng đã giúp tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ và giảm đến 2.700 tấn CO2 thải ra môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp này giảm thiểu 50% lượng nước, 15% hóa chất tiêu thụ trong quá trình sản xuất.

Được biết, theo kế hoạch giai đoạn 3 đang bắt đầu triển khai, làng tre sẽ đào tạo lớp nghệ nhân, những công nhân có tay nghề khéo léo để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, giúp làng tre có thêm thu nhập cũng như tạo cơ hội cho người trồng tre vươn lên thoát nghèo từ cây tre.

Không xa hoa và rực rỡ, tre mộc mạc giản dị lạ thường. Nơi đây không những là tâm huyết của những con người say mê với thiên nhiên mà còn là nơi giữ hồn của đất nước. Chính vì những nét độc đáo ấy mà Phú An ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và bạn bè quốc tế ghé thăm.

• HÒA NHÂN - CHÍ THANH

Bài 2: Một đời người vì một làng tre

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên