Huyện Phú Giáo là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống như Khmer, Sán Chỉ, Tày, Nùng… Việc tập hợp và chăm lo các mặt cho thanh niên ĐBDTTS đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong huyện quan tâm thực hiện tốt
Giúp ổn định việc làm
Việc tập hợp thanh niên ĐBDTTS vào sinh hoạt Đoàn, Hội tại huyện Phú Giáo đã phát huy hiệu quả. Một trong những công tác được chú trọng trong thời gian qua là hỗ trợ thanh niên ĐBDTTS phát triển kinh tế gia đình. Bằng các hình thức hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cấp, ngành trong huyện đã hỗ trợ cho nhiều thanh niên ĐBDTTS xây dựng được các mô hình kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập gia đình.
Thanh niên ĐBDTTS ở huyện Phú Giáo được các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ
Trong số các chương trình hỗ trợ thanh niên ĐBDTTS có chương trình hỗ trợ thanh niên ĐBDTTS về dạy nghề. Tùy theo yêu cầu, điều kiện của từng người, thanh niên ĐBDTTS ở huyện được đào tạo các nghề như cạo mủ cao su, cắt tóc, sửa xe máy… Hàng năm có hàng chục thanh niên ĐBDTTS theo học các lớp này và đa số sau khi học xong đều có việc làm ổn định.
Ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định việc đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên ĐBDTTS là công tác quan trọng cần quan tâm thực hiện tốt. Thời gian qua, riêng dạy nghề cạo mủ cao su trung bình một năm có 2 lớp được mở trên địa bàn xã, trong đó có nhiều thanh niên là ĐBDTTS theo học. Các đối tượng này được hỗ trợ tiền ăn, miễn học phí. Sau khi học xong, những thanh niên này được nhận vào làm công nhân tại các nông trường cao su trên địa bàn xã hoặc được các chủ vườn cao su tiểu điền thuê mướn.
Việc tạo sân chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ cho thanh niên ĐBDTTS cũng được các cấp, ngành huyện Phú Giáo quan tâm. Đối với đoàn viên thanh niên ĐBDTTS, sinh hoạt chung trong các chi hội đã tạo điều kiện cho họ hòa đồng, học hỏi, giao lưu kinh nghiệm sinh hoạt, lao động, học tập với đoàn viên, thanh niên các dân tộc khác. Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thanh niên ĐBDTTS như các đội văn nghệ, bi sắt, kéo co, đẩy gậy của thanh niên ĐBDTTS xã An Bình, xã Tam Lập... đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển các hoạt động phong trào ở huyện.
Cùng với đó, hoạt động chăm lo cho thanh niên ĐBDTTS như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tặng sách, vở thời gian qua cũng đã được các ngành, các cấp ở huyện Phú Giáo thực hiện thường xuyên.
Tạo điều kiện tham gia công tác
Chị Tô Cẩm Nhung, Bí thư Huyện đoàn Phú Giáo, cho biết Huyện đoàn rất chú trọng việc tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh niên ĐBDTTS tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ chung của thanh niên trong huyện. Thông qua các hoạt động này, sự liên kết giữa thanh niên các đồng bào ĐBDTTS được thắt chặt; qua đó Huyện đoàn có điều kiện lồng ghép việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên ĐBDTTS. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được Huyện đoàn đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền ở huyện cũng đã tạo nhiều điều kiện cho thanh niên ĐBDTTS trên địa bàn tham gia công tác tại các tổ chức đoàn thể tại địa phương, như: Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ. Anh Đinh Văn Lực, thanh niên dân tộc Mường ở xã Phước Sang, hiện đang công tác trong lực lượng dân quân thường trực tại xã Phước Sang, cho biết trong thời còn đi học và sau này là học lớp dân quân thường trực, anh đã được địa phương tạo nhiều điều kiện học tập tốt nhất, giúp anh hoàn thành khóa học và trở về phục vụ lại cho địa phương.
Với những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, thanh niên ĐBDTTS trên địa bàn huyện Phú Giáo đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội, đoàn thể. Qua các công tác chăm lo như trên, thanh niên ĐBDTTS trong huyện có điều kiện phát triển toàn diện và đóng góp nhiều hơn cho địa phương.
Bài, ảnh: ĐÀ BÌNH