Phụ nữ Bình Dương: Học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất

Cập nhật: 20-10-2020 | 07:55:31

Việc triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh nhiều năm qua đã được chị em hội viên, phụ nữ ở các cấp hội sáng tạo qua nhiều mô hình mới, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phiên chợ nghĩa tình do Hội LHPN phường Hưng Định, TP.Thuận An phối hợp thực hiện

Nhiều năm sau mới trở lại viết bài tại các cơ sở Hội LHPN, tôi đã và rất khâm phục khi các hội viên, phụ nữ vẫn miệt mài công việc thầm lặng. Đó là nuôi heo đất lấy tiền làm từ thiện, tặng quà sinh nhật bằng… vàng! Tức là, người nào có sinh nhật trong tháng được tặng một chỉ vàng. “Đây là hình thức tiết kiệm tích lũy cơ bản và cũng là cách giúp nhau xoay vòng vốn. Mình từng rất khó khăn khi gia đình có người bệnh nặng và những chỉ vàng tích lũy này là cứu cánh cho mình khi đó”, một hội viên đã tâm sự như thế.

Có thể nói, phong trào nuôi heo đất đã lan tỏa với mỗi chi hội một con heo đất. Tất cả những con heo đất của các chi hội đều có chung một tên gọi, đó là “Heo đất yêu thương”. Và, những con “Heo đất yêu thương” đều có chung một sứ mệnh, đó là tích lũy dần số tiền tiết kiệm của chị em phụ nữ trong chi hội tự nguyện đóng góp. Tổng số tiền thu được từ “heo đất” sẽ được trao tặng cho những gia đình có con em là nữ học sinh “vượt khó học giỏi”.

Ông bà ta từng dạy “tích tiểu thành đại”, với cách làm này, các chị đã giúp đỡ được biết bao hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như Hội LHPN phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An. Từ năm 2017 đến nay, mô hình “Heo đất yêu thương” của các chị đã hỗ trợ cho 50 lượt nữ học sinh “vượt khó học giỏi” với tổng số tiền khoảng 45 triệu đồng, bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm. Việc triển khai thực hiện mô hình “Heo đất yêu thương” nhờ thế còn có nhiều ý nghĩa thiết thực hơn.

Nói về những cách làm hay của hội viên, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Không chỉ sáng tạo nên mô hình “Heo đất yêu thương”, nhiều mô hình khác tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Với mục tiêu hướng cuộc vận động “Học và làm theo Bác” bằng những việc làm thiết thực hơn, hướng về cộng đồng hơn nữa, nhiều năm qua, các cấp hội còn sáng tạo nên nhiều mô hình mới, cách làm hay. Tiêu biểu như mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Sổ vàng tiết kiệm”, “San sẻ yêu thương”, “Nồi cháo nghĩa tình”, “Chung tay biến rác thải thành quỹ hỗ trợ hoạt động hội”...

Các cấp hội phụ nữ tỉnh còn lồng ghép các mô hình học và làm theo Bác với các phong trào thi đua do Trung ương và Hội LHPN tỉnh phát động, như: Phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phụ nữ chung tay thực hiện công trình “Tuyến đường tự quản”, “Thắp sáng đường quê”... Nhờ đó, việc học và làm theo Bác của chị em phụ nữ Bình Dương không chỉ sôi động về bề nổi, mà còn lan tỏa sâu đến nhiều chi hội, được nhiều chị em tích cực tham gia. Qua đó, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Thông qua quá trình thực hiện “Học và làm theo Bác”, từ năm 2017 đến nay, đã có 140 lượt tập thể và hơn 7.200 lượt cá nhân được các cấp hội phụ nữ, từ Trung ương đến chi hội cơ sở tuyên dương, khen thưởng, công nhận là phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Các cấp hội phụ nữ tỉnh còn lồng ghép các mô hình học và làm theo Bác với các phong trào thi đua do Trung ương và Hội LHPN tỉnh phát động, như: Phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phụ nữ chung tay thực hiện công trình “Tuyến đường tự quản”, “Thắp sáng đường quê”...

QUỲNH NHƯ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên