Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

Cập nhật: 13-12-2019 | 15:17:53

Bài 2: Ra quân đánh thắng trận đầu

Ngay trong ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), lãnh tụ Hồ Chí Minh đãra chỉ thị “đánh trận đầu phải thắng”. Với lòng quả cảm, tinh thần tiến công kiên cường, Đội VNTTGPQ đãtấn công đồn Phai Khắt, trận đánh đầu tiên và chiến thắng giòn giãnày đãlàm nức lòng các đội viên, nhân dân, xây dựng nên truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu” vànhững chiến công vang dội sau này của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Di tích đồn Phai Khắt tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: CAO SƠN

Cán bộ, phóng viên Báo Bình Dương và Báo Cao Bằng tham quan, tìm hiểu về trận đánh đồn Phai Khắt. Ảnh: CAO SƠN

Cổ vũ phong trào cách mạng

Ngay sau khi Đội VNTTGPQ được thành lập, đứng trên đỉnh Slam Cao gió lộng, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đội viên khác đã phóng tầm mắt ra xa quan sát cách bố phòng của quân Pháp tại đồn Phai Khắt và Nà Ngần với quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ thị của Bác Hồ “đánh trận đầu phải thắng” để “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”; đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội trưởng Hoàng Sâm quyết định chọn Phai Khắt để đánh trận đầu tiên. Đội đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh đầu tiên này bảo đảm thắng lợi.

Đồn Phai Khắt thuộc bản Phai Khắt, xã Tam Lọng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồn là ngôi nhà của đồng chí Nông Văn Lạc được xây dựng từ năm 1940. Năm 1943, thực dân Pháp đã chiếm ngôi nhà này để làm đồn. Ngôi nhà cột gỗ, xung quanh xây gạch, lợp ngói âm dương, chiều dài khoảng 15m, chiều rộng khoảng 14m, diện tích khoảng 210m2. Tháng 2-1944, quân Pháp tiến về bản Phai Khắt nhằm kiểm soát và đàn áp phong trào cách mạng địa phương. Nhận thấy ngôi nhà phù hợp làm nơi trú đóng, chúng đã chiếm lấy làm đồn. Nhàđược chia làm 4 gian, một bức tường lửng ngăn đôi, nửa bên phải đầu hồi là buồng ngủ của tên đồn trưởng Xi-mô-nô, gian thứ hai là buồng ngủ của tên cai. Nửa bên trái, giá súng đặt ở giữa; hai bên giá súng kê ván nằm ngủ của lính. Hai cửa ra vào ở hành lang trước và sau gian thứ hai nửa nhà bên trái. Trước cửa nhàcó cọc gỗ, tre đổ đất cao chừng 1,5m, có lỗ châu mai để phòng thủ.

Qua điều nghiên, trinh thám, đội biết được trong đồn gồm tên đồn trưởng người Pháp Xi-mô-nô, 1 tên cai, 21 tên lính dõng, chủ yếu là người Nùng và Mán; hơn 20 khẩu súng trưởng, 1 khẩu súng ngắn. Từ các nguồn thông tin, chỉ huy đội đã vẽ sơ đồ bố trí trong đồn, cải trang lính dõng, làm giả giấy đi tuần nhằm qua mắt địch. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp; ngoài ra còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh.

Chiều ngày 24-12, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Si-mô-nô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ ngày 25-12, các đội viên tiến vào đồn một cách dễ dàng dưới sự dẫn đầu của đồng chí Thu Sơn (Nguyễn Văn Càng). Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô lớn bằng tiếng Pháp: “Tập hợp! Chuẩn bị đón quan châu”. 17 tên lính và tên cai tưởng đó là thật, vội vàng chạy ra sân xếp hàng. Các đội viên cải trang thành lính dõng nhanh chóng chiếm khu vực để súng, bao vây nhóm lính. Đồng chíThu Sơn dõng dạc: “Chúng tôi là quân cách mạng, tất cả giơ tay đầu hàng, cách mạng sẽ không giết ai”. Bị bất ngờ, tất cả bọn lính giơ tay hàng, tên lính gác cũng bị tước súng và dồn vào sân. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Si-mô-nô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.

Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25-12, Đội VNTTGPQ khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km) đểtiến đánh đồn Nà Ngần.

Biểu tượng của tinh thần quyết thắng

Từ đỉnh Slam Cao mây trời lộng gió, chúng tôi xuôi về đồn Phai Khắt tại trung tâm của xã Tam Kim. Lúc này trời đã chính ngọ, nhiều dân làng tại đây cũng đã hoàn thành xong công việc buổi sáng và lục tục trở về nhà. Thấy chúng tôi, họ nở những nụ cười thân thiện vì biết chúng tôi là nhà báo với máy móc lỉnh kỉnh trên tay. Đồn Phai Khắt vẫn hiện diện ở vị trí cũ cạnh con suối nước chảy róc rách nay đã là di tích lịch sử minh chứng cho tinh thần quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhẹ mở cánh cổng, qua khuôn viên vườn cây rộng mát, bước vào không gian của khu nhà, theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, chúng tôi như được quay lại không khí của trận đánh hào hùng cách nay 75 năm. Căn nhà được bày trí, sắp xếp theo đúng kiểu cách của nó cách nay 75 năm, bên cạnh đó là rất nhiều hiện vật của Đội VNTTGPQ tham gia trận đánh năm xưa bao gồm hình ảnh các chiến sĩ của đội; các loại vũ khí phục vụ trận đánh và đồ dùng sinh hoạt thường ngày của các đội viên. Nhìn các hiện vật đơn sơ đã ngả màu thời gian được bảo quản kỹ lưỡng chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động, thán phục và tự hào những đội viên Đội VNTTGPQ năm xưa. Tuy mới thành lập, vũ khí thô sơ, chưa được huấn luyện bài bản nhưng với tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, họđã làm nên một trong những chiến công lừng lẫy của Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo dựng nên truyền thống trăm trận trăm thắng của một đội quân anh hùng.

Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên của di tích, ông Nông Văn Bốn, cán bộ quản lý tại khu di tích bùi ngùi, cho biết: “Đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn tự hào là địa phương phát tích của Quân đội nhân dân Việt Nam và càng tự hào hơn khi là địa phương có chiến công đầu tiên của quân đội ta”. Đưa chúng tôi ra khuôn viên vườn cây trong sân của khu đồn, ông Bốn vừa chỉ vào cây mít lá xanh tươi vừa nói với chúng tôi: “Đồn Phai Khắt chính là địa điểm linh thiêng với những người con Cao Bằng chúng tôi. Theo như các bô lão trong xã kể lại, cây mít này khi xưa có 2 chiến sĩ cách mạng của ta bị địch chặt đầu và treo lên đây… Cây mít xanh tươi, mùa nào cũng ra hoa rất nhiều nhưng chỉ đậu 2 quả, mùa nào cũng vậy!”. Chưa biết thực hư câu chuyện này ra sao nhưng trong giọng nói của ông Bốn chúng tôi nhận thấy niềm tự hào của người con Cao Bằng với những chiến công vàcảhy sinh vô cùng lớn lao của các thế hệ đi trước, tất cảvì nền độc lập của dân tộc.

Đỉnh Slam Cao vẫn sừng sững cùng năm tháng, di tích đồn Phai Khắt vẫn hiện diện bên dòng suối êm đềm qua 75 năm. Tiếng nước suối róc rách như vẫn đang kể cho chúng tôi nghe về chiến công của 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ năm xưa. Cho dùvới vũ khí thô sơ, còn thiếu thốn nhiều mặt những với tinh thần kiên cường bất khuất, theo lời của Cụ Hồ, họđã không quản ngại khókhăn vàsẵn sàng vìnước quên thân, anh dũng tấn công tiêu diệt đồn Phai Khắt, làm nên chiến công giòn giã đầu tiên của đội quân anh hùng cách mạng… (còn tiếp)

CAO SƠN - THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên