LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2014) và nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống quân xâm lược, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt ký sự về lịch sử vẻ vang của quân đội ta. Loạt bài được chia làm ba phần, khởi đăng từ hôm nay đến cuối tháng 12. Phần I viết về Quân đoàn 4 (QĐ4), phần II viết về nơi “phát tích” của Quân đội nhân dân Việt Nam và phần cuối viết về những tấm gương anh dũng kiên cường của các chiến sĩ Bình Dương…
Kỳ 1: Ra đời trên chiến trường
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bìa phải) giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Cầm (sau này là tư lệnh đầu tiên của QĐ 4) trước khi vào Nam chiến đấu (Ảnh do Bảo tàng Quân đoàn 4 cung cấp)
Ngày 20-7-1974, tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu, nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã diễn ra buổi lễ trang trọng thành lập lực lượng vũ trang QĐ4 (còn gọi là Binh đoàn Cửu Long). Giữa chiến trường đầy bom đạn, hàng ngàn con người đứng trang nghiêm nghe đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương cục miền Nam, thay mặt Trung ương Đảng công bố quyết định thành lập QĐ. Hào khí ngút trời, tiếng quân reo dậy cả rừng miền Đông. Sau buổi lễ thành lập, tiếng còi xung trận vang lên đưa đoàn quân bước vào những chiến dịch…
Bộ Tư lệnh QĐ4 hôm nay đóng tại Bình Dương, giữa những rừng cây rợp bóng. Doanh trại khang trang, nề nếp luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp mỗi khi chúng tôi ghé thăm. Đại tá Nguyễn Quang Phú, Trưởng phòng Tuyên huấn - Bộ Tư lệnh QĐ4 vui vẻ khi biết chúng tôi viết về đơn vị của ông. Ông nói: “Truyền thống vẻ vang của QĐ được sử sách viết nhiều nhưng trên báo chí thì còn ít, tôi rất vui khi Báo Bình Dương đến với đơn vị…”.
“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, chúng tôi cảm nhận điều đó mỗi lần đến đây. Những chiến sĩ quân trang chỉnh tề, áo đẫm mồ hôi từ thao trường về, miệng tươi cười đầy sức sống của tuổi trẻ. Ở các anh toát lên một niềm tin son sắt vào sự nghiệp mà các thế hệ cha ông đã đổ biết bao máu xương để đất nước hòa bình như hôm nay.
Đồng chí Hoàng Thế Thiện (bìa trái) (sau này là chính ủy đầu tiên của quân đoàn) cùng đồng đội trên đường Trường Sơn năm 1973 (Ảnh do Bảo tàng Quân đoàn 4 cung cấp)
Bước vào những năm 70 thế kỷ trước, quân ta liên tục giáng những đòn chí mạng vào quân thù, từ Khe Sanh đường 9 đến Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” đã buộc đế quốc Mỹ nhìn nhận lại cuộc chiến “hao người tốn của” nhưng không thể chiến thắng, cuối cùng phải đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973, sau đó rút quân về nước. Mỹ rút, ngụy bắt đầu lung lay. Tình thế cách mạng của nước ta chuyển sang vận hội mới, giai đoạn “đánh cho ngụy nhào” thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược, ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris bằng những thủ đoạn xảo quyệt. Chúng để lại gần 2 vạn nhân viên quân sự đội lốt “dân sự” nhằm cố vấn cho ngụy quyền; tiếp tục viện trợ kinh tế, vũ khí hòng hiện đại hóa quân đội Sài Gòn thành đội quân tay sai mạnh nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Trước tình hình đó, tháng 7-1973 Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã ra nghị quyết về “thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”. Để chuẩn bị tác chiến chiến dịch với quy mô lớn, đánh sụp ngụy quân, Bộ Chính trị chủ trương thành lập các binh đoàn chủ lực cơ động binh chủng hợp thành ở cả hai miền Nam - Bắc. Thực hiện chủ trương này, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị khẩn trương chuẩn bị nhân sự. Từ tháng 10-1973 đến tháng 3-1975, Bộ Chính trị lần lượt ra quyết định thành lập các QĐ, trong đó có QĐ4 thành lập ngày 20-7-1974.
Ngay sau ngày thành lập, QĐ4 đã khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với chức năng là “Quả đấm chủ lực mạnh”, “Quả đấm thép chiến lược phía Nam”, là lực lượng cơ động của bộ ở chiến trường B2, QĐ4 đã phát huy vai trò làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng.
Trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 nói chung và trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng, QĐ4 đã có những cống hiến mang tính lịch sử, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Những chiến công của QĐ là kết quả của nhiều năm xây dựng và chiến đấu, là thành quả xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, của Bác Hồ và của nhân dân cả nước. Trải qua một chặng đường dài khó khăn, gian khổ, QĐ4 đã phát huy những truyền thống trong tác chiến chiến dịch, lập nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
QĐ4 được thành lập từ hai sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 cùng một số tiểu đoàn binh chủng độc lập. Thượng tướng Hoàng Cầm là tư lệnh đầu tiên, tướng Bùi Cát Vũ, Phó Tư lệnh và tướng Hoàng Nghĩa Khánh, Tham mưu trưởng. Thượng tướng Hoàng Cầm tên thật là Đỗ Văn Cầm, quê ở Hà Tây. Cuộc đời binh nghiệp kiên cường của ông trải từ chiến khu Việt Bắc ngút ngàn với chiến thắng Điện Biên lừng lẫy đến những cánh rừng của miền Đông đất đỏ… Trước lúc về hưu ông giữ chức Tổng Thanh tra quân đội. Ông là vị tướng giỏi của quân đội ta.
Kỳ 2: Phước Long - Đòn trinh sát chiến lược
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU