Quân đội Nhân dân Việt Nam: Từ thuở ban đầu ấy… - Kỳ 1

Cập nhật: 02-12-2014 | 08:28:21

Kỳ 1: Khởi đầu “cho một tiền đồ vẻ vang...”

Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đùm bọc và nuôi dưỡng của nhân dân, sự đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế… với 34 chiến sĩ “thuở ban đầu ấy”, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) ra đời tại “rừng thiêng” Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944 đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu… và chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lênin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng (2-1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã đề cập đến việc “Tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị của Đảng (10-1930) cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “Lập quân đội công nông” và “Tổ chức ra đội tự vệ công nông”. Trong phong trào cách mạng 1930- 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công - nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.

Đỉnh SLam cao tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát để tìm cách đánh đồn Phai Khắt, sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Ảnh: C.KHANH

Từ tháng 9-1939, trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích đã diễn ra trên nhiều địa phương. Hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập và phát triển như Du kích Nam kỳ (1940), Đội du kích Bắc Sơn (1941), Cứu quốc quân (1941)... Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ, được thành lập vào ngày 22-12-1944 theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: C.KHANH

Tháng 4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến năm 1950 được đổi tên là QĐNDVN.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước một tình thế rất phức tạp và chồng chất khó khăn. Cùng một lúc chúng ta phải đối phó với cả “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Ở Nam bộ, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được quân Anh và quân Nhật giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tại Bắc bộ và Trung bộ, từ tháng 8-1945, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành phố từ vĩ tuyến 16 trở ra.

Trong bối cảnh đó, bộ đội ta đã giữ nghiêm kỷ luật, tránh xung đột với quân Tưởng, đồng thời hòa vào nhân dân, bảo vệ và làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của quần chúng; cùng với nhân dân vạch mặt, cô lập bọn phản động, kiên quyết và khôn khéo đập tan các hoạt động phá hoại của chúng, trừng trị những tên nguy hiểm ngay trước mũi súng của quân Tưởng. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ được bảo vệ. Hoạt động phá hoại của bọn phản động bị ngăn chặn. Trật tự, trị an ở thủ đô và các thành phố được giữ vững.

Theo Sắc lệnh số 71 ngày 25-5-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, biên chế thống nhất theo từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Cùng với 25 chi đội ở Nam bộ, lúc này ở Bắc bộ và Trung bộ có 30 trung đoàn, tổng quân số lên tới 8 vạn người. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu.

Vừa xây dựng, vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, Vệ quốc quân và lực lượng tự vệ đã anh dũng trong đấu tranh vũ trang, vững vàng trong đấu tranh chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ chống thù trong, giặc ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân, xứng đáng là công cụ bạo lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong những năm đầu của chính quyền cách mạng. (Còn tiếp)

Đánh thắng trận đầu - tiền đề cho khởi nghĩa giành chính quyền

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25-12- 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình - nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Và 7 giờ sáng hôm sau (26-12) lại đột nhập đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình - nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, diệt và bắt sống toàn bộ binh lính địch trong hai đồn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam; làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1944-1945).

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên