Quản lý giá sữa: Chỉ giải quyết phần ngọn

Cập nhật: 27-09-2010 | 00:00:00

Thông tư số 112 của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2010, thay thế Thông tư số 104 về quản lý giá sữa bột, theo đó quy định hình thức quản lý giá mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký kê khai giá với cơ quan quản lý. Một khi các chính sách mới về quản lý giá đi vào thực tiễn, người tiêu dùng có quyền kỳ vọng giá sữa tại thị trường Việt Nam sẽ bình ổn và minh bạch hơn.

Tăng giá trước giờ G!

Trước khi Thông tư 112 có hiệu lực, để không bị thiệt các nhà sản xuất - kinh doanh sữa đã tìm cách ứng phó bằng cách tăng giá trước. Theo người kinh doanh mặt hàng sữa, từ hơn 2 tháng qua, hầu hết các hãng sữa ngoại nhập và Việt Nam, từ các loại sữa bột cho đến sữa nước, sữa đặc đã tranh thủ nối đuôi nhau điều chỉnh tăng giá trung bình khoảng 10%, cá biệt có một số hãng tăng trên 13%. Mới đây nhất là hãng sữa Nuti Việt Nam tăng trung bình khoảng 6% cho tất cả các sản phẩm. Trước đó, một số sản phẩm (sữa nước, sữa đặc) hiệu Cô Gái Hà Lan cũng tăng khoảng 7%. Từ ngày 1-9, nhãn sữa dành cho bà bầu Anmum (New Zealand) chính thức tăng giá 10%. Theo đó, hộp 400g đã tăng 34.000 đồng. Có vẻ nhanh chân hơn hết là hãng sữa Dumex, ngay từ đầu tháng 7, 17 nhãn sữa bột của hãng này đã tăng giá thêm 10%, hãng Abbott cũng tăng gần 10%.

 

Người tiêu dùng lại thêm một phen “bất ngờ” với giá sữa trước khi Thông tư 122 có hiệu lực

Thực tế, hiện nay các cửa hàng sữa trên địa bàn TX.TDM, đa số đều bán theo giá mới chỉ có một vài cửa hàng bán theo giá cũ vì còn hàng tồn và để giữ mối. Dạo quanh các siêu thị như Citimart, Co.op Mart, Vinatex... phần lớn mặt hàng sữa đều niêm yết giá mới. Một nhân viên siêu thị Citimart cho biết, ngay từ những ngày cuối tháng 6, các hãng sữa đã thông báo tăng giá, đến nay thì hầu hết đã có giá mới, tuy nhiên giá bán một số loại sữa tại siêu thị vẫn giữ chưa tăng vì còn hàng tồn, trong thời gian tới, giá sữa sẽ tăng lên khi phải nhập hàng mới. Còn chủ cửa hàng sữa trên đường Đoàn Trần Nghiệp cho biết, lý do tăng giá sữa lần này được một số hãng phân phối giải thích là vì biến động tỷ giá, nguyên liệu đầu vào tăng cao và mẫu mã thay đổi... Ngoài ra, trước thời điểm quy định mới có hiệu lực, thị trường có chút xáo trộn là khó tránh khỏi.

Còn nhiều bất cập

Trưởng phòng Giá công sản, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương Vương Văn Năm: Qua kiểm tra sơ bộ một số đơn vị sản xuất, nhà phối mặt hàng sữa hầu hết đều thuyết minh cơ cấu giá thành, chứng minh giá bán hợp lý. Cũng trong dịp kiểm tra này, ngoài các siêu thị thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tuy vậy vẫn còn một vài siêu thị như Fivimart Bình Dương và siêu thị Titan (Khu công nghiệp Mỹ Phước) đang bày bán rất nhiều sản phẩm sữa nhưng không niêm yết giá bán. Đối với những trường hợp vi phạm quy định, cơ quan chức năng sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.  

Giải thích về hiện tượng sữa ở thị trường Việt Nam đang bị làm giá (quá cao so với thế giới), Trưởng phòng Giá công sản, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương Vương Văn Năm cho rằng: “Điều này phụ thuộc khá nhiều về cung cầu thị trường. Các biện pháp hành chính chỉ là một công cụ còn lại là do thị trường điều tiết. Đôi khi chính tâm lý thích dùng hàng ngoại của người tiêu dùng đã khiến giá cả ít nhiều bị đội lên”. Chính vì vậy nhằm hạn chế tình trạng các hãng sữa bột nhập ngoại tăng giá bất hợp lý, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122 quy định tất cả các mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo ông Năm việc quản lý giá sữa theo quy định của thông tư là khó khả thi vì chỉ mới giải quyết phần ngọn. Vì thực tế, khi cơ quan chức năng địa phương trực tiếp kiểm tra doanh nghiệp theo quy định thì người kinh doanh chứng minh được hóa đơn, chứng từ bán theo quy định của hệ thống và như vậy không bao giờ vi phạm ở khâu này. Vấn đề quan trọng là yếu tố cấu thành giá từ các tập đoàn, nhà nhập khẩu đầu mối thì chưa giải quyết được. “Điều đáng ngại là bộ máy hành chính địa phương cũng không thể nào kham nổi khối lượng công việc kê khai, đăng ký, niêm yết giá của rất nhiều nhà phân phối cùng với hàng trăm mặt hàng khác nhau. Ngoài ra, còn nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá trở thành nguyên tắc và không có điều khoản cụ thể nào để lấy làm căn cứ xử phạt việc bán sữa với giá cao ngất ngưởng như hiện nay”- ông Năm nói.

Xem ra, rất khó để tới đây, thị trường sữa sẽ được quản lý chặt. Bởi lẽ, theo nhận xét chung của ngành chức năng, kinh tế theo cơ chế thị trường thì việc quản lý giá cả là rất khó, thực tế là không thể kiểm soát giá trên thị trường vì thị trường vận hành theo quy luật riêng của nó và sự biến động giá của thị trường là rất nhanh. Hơn thế, người kinh doanh luôn tìm cách lách luật một cách hợp pháp mà cơ quan quản lý Nhà nước không thể làm gì được. Trong khi quy định về quản lý giá sữa còn nhiều bất cập, người tiêu dùng nên có định hướng cho mình, phải tỉnh táo trước những lời quảng cáo có cánh của các doanh nghiệp kinh doanh sữa và cũng nên ưu tiên sử dụng hàng Việt trước sự tăng giá bất hợp lý của các hãng sữa ngoại nhập.

THANH HỒNG

Ban Chỉ đạo 127/ĐP- UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 8/QĐ-BCĐ 127 về việc thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất  - kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa, chứng từ có liên quan đến các mặt hàng nhập khẩu, các mặt hàng lưu thông trên thị trường; kiểm tra cơ cấu định giá giá thành sản phẩm, hàng hóa (đối với đơn vị sản xuất), việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra việc chấp hành quy định về nhãn hàng hóa.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên