Quản lý kinh doanh tiền vàng mã: Công cụ đã có, hiệu quả chưa biết thế nào!

Cập nhật: 29-10-2010 | 00:00:00

Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến thời điểm Thông tư số 22/2010/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực (ngày 20-11), nhưng hiện hầu hết các cửa hàng kinh doanh hàng mã đã sớm chấm dứt việc mua bán, kinh doanh  loại tiền vàng mã (nhái tiền Việt Nam). Tuy nhiên, hầu hết các điểm buôn bán mặt hàng này tại Bình Dương vẫn tràn lan loại tiền vàng mã nhái tiền nước ngoài (USD, Euro).

Vô tư bán tiền vàng mã USD, Euro

Ghi nhận thị trường tiền vàng mã ngày 25-10 cho thấy hầu hết cửa hàng bày bán nhang đèn, vàng mã tại thị xã, chợ Lái Thiêu... thực hiện khá tốt việc không kinh doanh loại tiền vàng mã nhái tiền Việt Nam. Một chủ cửa hàng tại chợ TX.TDM thổ lộ: “Lúc mới xuất hiện, loại tiền này bán chạy lắm vì khá đẹp so với loại tiền cũ và giá cũng không đắt lắm, chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/xấp khoảng 50 tờ nhưng mấy tháng trước cơ quan chức năng, quản lý chợ kiểm tra nên nay thôi không bán nữa”. Tìm đến một cửa hàng kinh doanh hàng mã trên đường CMT8, chủ cửa hàng cũng cho biết “hàng đó Nhà nước cấm rồi, không bán!”, chỉ bán loại tiền đô la Mỹ, Euro. Bán loại tiền vàng mã polymer lời không bao nhiêu, mà bị công an bắt là mệt lắm”.

 

Sắp tới người kinh doanh vàng mã sẽ được quản lý chặt hơn

Hiện tại các cửa hàng kinh doanh vàng mã, tạp hóa tại khắp các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn đang bày bán công khai mẫu tiền nước ngoài (USD, Euro) sao nhái nguyên bản các kích thước, màu sắc, họa tiết, có mệnh giá tương ứng. Khi nghe chúng tôi hỏi sao vẫn còn bày bán tiền vàng mã nước ngoài, nhiều tiểu thương tại đây ngơ ngác và lắc đầu từ chối trả lời. Còn người biết thì trả lời rất tự nhiên, có nghe thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng thông báo, quản lý chợ cấm kinh doanh tiền vàng mã Việt Nam nhưng không nghe nói đến việc cấm bán tiền nước ngoài. Theo nhiều tiểu thương, do thông tin đến với người sản xuất - kinh doanh địa phương chưa đầy đủ nên loại tiền vàng mã nhái nước ngoài vẫn lưu hành rất phổ biến trên thị trường.

Chưa có chế tài xử phạt

Những người kinh doanh mặt hàng này cho biết, loại tiền polymer âm phủ bắt đầu xuất hiện tại Bình Dương vào khoảng đầu năm 2009, sau đó từ khoảng tháng 7-2009, phong trào dùng tiền polymer đốt vàng mã bắt đầu rộ lên và không lâu sau nó trở thành một mặt hàng được ưa chuộng nhất trong những đám giỗ chạp, cúng tế, ma chay... Cũng chính vì “giông giống” nên thời gian qua không ít trường hợp bị nhầm lẫn giữa tiền thật và tiền vàng mã. Và cũng không ít trường hợp, một số đối tượng đã lợi dụng sự giống nhau giữa tiền polymer âm phủ và tiền thật để thực hiện hành vi gian dối, lừa đảo. Anh V., một cán bộ trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Dương, nhớ lại. Có lần, anh kịp phát hiện một khách hàng đã gấp tư tờ tiền vàng mã 50.000 đồng để mua hàng tại cửa hàng anh vào giờ cao điểm, còn cả gan đứng chờ nhận tiền thối. Anh nói, vị khách này giải thích với tôi là cầm nhầm giữa tiền thật và tiền giả, thế nhưng người đứng xung quanh ai cũng biết vị khách này cố ý nhầm lẫn nhưng thực hiện “bất thành” hành vi gian dối của mình, anh V. nói.

Trước thực tế này, tháng 4-2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản 3082 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan có liên quan đề nghị phối hợp trong việc ngăn chặn nạn in tiền vàng mã có sử dụng hình ảnh, họa tiết đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này trong thời gian thực hiện đã nảy sinh một số bất cập do thiếu cơ chế hành lang pháp lý, đồng thời chưa có chế tài xử phạt hành vi vi phạm khiến công tác này bị bỏ ngỏ. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Bán cho biết, thời gian vừa qua, lực lượng QLTT đã phát hiện và thu giữ khá nhiều các loại tiền vàng mã nhái polymer tại địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở, xử lý bằng cách tổ chức tiêu hủy, rất tốn kém chứ không thể xử phạt.

Quản lý từ gốc

Để khắc phục những hạn chế trên, Thông tư 22 mới đây do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đã quy định cụ thể hơn hình thức in ấn và mức phạt đối với những hành vi vi phạm các quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể như các cơ sở in vàng mã sẽ phải đăng ký xác nhận loại vàng mã để in tại Sở Thông tin và Truyền thông sở tại. Khoản 2 điều 8 Thông tư quy định rõ “Việc in sản phẩm vàng mã không được sử dụng nội dung, hình ảnh, họa tiết, màu sắc của tiền Việt Nam và nước ngoài. Kích thước sản phẩm vàng mã phải lớn hơn hoặc nhỏ hơn tiền Việt Nam, tiền nước ngoài từ 3cm trở lên mỗi chiều và chỉ in một màu, một mặt”.

Việc giao quyền cấp giấy xác nhận đăng ký loại vàng mã được in cho các sở thông tin và truyền thông sẽ giúp cho ngành chức năng địa phương quản lý hoạt động này ngay từ khâu in ấn tức sẽ giải quyết ở phần gốc của vấn đề. Chờ xem sao!

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên