Quốc hội thảo luận về tăng hiệu quả quản lý ngân sách Nhà nước

Cập nhật: 26-11-2014 | 06:20:25

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tăng hiệu quả quản lý ngân sách Nhà nước cũng chính là những kỳ vọng của đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi) trong buổi chiều 25-11 của Phiên họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.

Khắc phục bất cập

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, qua 10 năm tổ chức thực hiện Luật ngân sách Nhà nước, mặc dù Luật đã đi vào cuộc sống nhưng hoạt động cũng như cơ chế quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước đã bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể như phạm vi ngân sách chưa thật rõ ràng; việc quản lý các khoản phí, lệ phí còn chưa thống nhất; phân cấp về nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn có điểm chưa phù hợp với thực tiễn; ngân sách Trung ương có xu hướng giảm dần vai trò chủ đạo; căn cứ xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm còn chưa đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ giữa dự toán ngân sách hàng năm với kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước trung hạn; việc quản lý ngân sách Nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị để bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bởi vậy, mục tiêu xuyên suốt toàn bộ dự thảo Luật là phải tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Theo đó ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất, ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo; bảo đảm bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; bảo đảm vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định các chính sách tài chính-ngân sách cơ bản và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động trong việc tổ chức điều hành ngân sách Nhà nước trong khuôn khổ dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội quyết định.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng quyền tự chủ đi đôi với tăng cường giám sát thực hiện, dân chủ, công khai, tăng cường minh bạch; từng bước đưa công tác quản lý ngân sách Nhà nước ở nước ta phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở đó, cần làm rõ ngân sách Nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi quốc gia. Đồng thời, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương. Theo đó, xác định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và hội đồng Nhân dân trong quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, tránh trùng lắp và hình thức.

Các quy định cần được tăng cường nhằm bảo đảm kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt trong việc quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp. Việc quyết định ban hành chính sách mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước phải bảo đảm cân đối được nguồn tài chính để thực hiện; kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, gắn trách nhiệm của người quyết định đi vay với trách nhiệm trả nợ.

Theo đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), dự án Luật ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra; quy định về trách nhiệm giải trình trước các cơ quan dân cử chưa cụ thể công khai minh bạch; trong quản lý ngân sách Nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế… Vì vậy rất cần thiết phải sửa đổi ngân sách Nhà nước và khắc phục bất cập trong Luật hiện hành.

Tham gia hiến kế

Trong phiên thảo luận, các ý kiến đóng góp vẫn tập trung vào các nội dung như: quy mô sửa đổi; tính cụ thể; phạm vi thu, chi và bội chi ngân sách Nhà nước; phạm vi thu ngân sách Nhà nước, nhất là đối với thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất và các quỹ tài chính ngoài ngân sách; phạm vi chi ngân sách Nhà nước trong đó có chi chuyển nguồn và ứng trước dự toán ngân sách năm sau, dự phòng ngân sách Nhà nước…

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng việc thu phí cần được xác định rõ cái nào thuộc nguồn thu ngân sách bởi trên thực tế, nhiều khoản ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, cần quy định rõ nhiệm vụ chi chứ không phải tất cả đều đưa vào chi thường xuyên thì rất không cụ thể và thiếu rõ ràng: “Thống kê chỉ ghi chung chung là 70% dành cho chi thường xuyên nhưng không rõ chi gì,” đại biểu này nhận xét.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Chí Thực dẫn chứng về quy định thu ngân sách Nhà nước hiện bao gồm các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí nhưng với cách chấp hành dự toán không thống nhất như hiện nay lại gây phức tạp cho công tác quản lý. Bởi vậy, dự thảo Luật ngân sách Nhà nước cần sửa đổi điều 5 phạm vi thu chi ngân sách Nhà nước tách riêng hai nội dung này thành hai phần.

Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí và từ các khoản thu tự cấp hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện. Trường hợp chi hoạt động, được khấu trừ các khoản thu từ các hoạt động thu do các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật, đại biểu này đề nghị.

Quy định về nguyên tắc cân đối địa phương trong đó quy định trường hợp tỉnh trực thuộc thành phố Trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng chương trình dự án thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh cần quy định rõ thêm cơ cấu hạ tầng, kinh tế xã hội để thống nhất trong việc thực hiện và giám sát theo quy định của pháp luật cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm phản ánh.

Các đại biểu cho rằng cần nêu nguyên tắc khung tỷ lệ cân đối phân chia ngân sách Trung ương, tránh nợ công dàn trải và tăng tỷ lệ 150% cho các địa phương đã cân đối được nguồn thu ngân sách.

Về phạm vi chi ngân sách Nhà nước, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) tán thành việc loại bỏ khoản chi trả nợ gốc để tránh hạch toán trùng giữa các năm. Các khoản chi từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái Quốc gia đang để ngoài thu ngân sách Nhà nước thì cần đưa vào cân đối để phản ánh số thực chi cân đối ngân sách Nhà nước và để tính đúng con số chính xác bội chi.

Về cân đối ngân sách Nhà nước, trên thực tế, quy định đang cho phép trong trường hợp cần thiết, ngân sách địa phương có quyền huy động hình thành vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc kế hoạch 5 năm do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Như vậy, vô hình chung ngân sách địa phương được phép bội chi. Do đó, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia cũng nên khống chế mức trần dư nợ với cả ngân sách địa phương, đại biểu này tham gia hiến kế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên