Quy hoạch, phát triển logistics: Tăng lợi thế cạnh tranh của Bình Dương - Bài 2

Cập nhật: 10-09-2019 | 07:21:53

 Bài 2: Con đường để phát triển năng động hơn

 Lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) logistics trên địa bàn tỉnh cho biết do chưa được quy hoạch chuyên ngành nên hoạt động logistics vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến hoạt động bị gián đoạn, làm phát sinh chi phí. Nếu ngành logistics được quy hoạch bài bản, tầm nhìn lâu dài sẽ đóng góp quan trọng đưa Bình Dương tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

 Hoạt động vận tải, xếp dỡ tại Trung tâm logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần. Ảnh: DUY CHÍ

 Hội tụ thiên thời, địa lợi

Những năm qua, Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư đứng tốp đầu cả nước. Hệ thống hạ tầng của tỉnh được đánh giá là đồng bộ, hiện đại nhất hiện nay. Với ưu thế có nhiều DN hoạt động hiệu quả, cộng với nhiều yếu tố khách quan đang mang lại… thì Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng là nơi rất tốt để các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I, chia sẻ: Nhiều đối tác nước ngoài của ông cho biết nếu chọn Việt Nam để làm ăn thì nơi đầu tiên mà họ nghĩ đến chính là Bình Dương. Bởi vì ngoài các ưu thế về hạ tầng giao thông, số lượng DN, nhà đầu tư... thì Bình Dương còn nổi bật là tỉnh đi đầu trong cải cách hành chính, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương luôn quan tâm đồng hành cùng DN, chủ động gặp gỡ, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể, các ngành hải quan, ban quản lý các khu công nghiệp, các sở, ban, ngành... của tỉnh luôn nỗ lực, đồng hành cùng nhà đầu tư.

Tuy vậy, ông Phúc cũng lưu ý: “Có thiên thời, địa lợi thì yếu tố nhân hòa có ý nghĩa quyết định. Về phía DN, chúng ta cần chủ động, chuẩn bị nhiều hơn nữa để đón nhận thời cơ, vì thời cơ không tự nhiên mà đến; khách hàng không tự nhiên tìm đến nếu chúng ta không đủ năng lực, không đáp ứng các yêu cầu cơ bản như chuỗi hệ thống, tiêu chuẩn, uy tín….”.

Thêm động lực phát triển

“Nếu ngành logistics được nhìn nhận đúng mức và được quy hoạch rõ ràng thì Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành một Singapore năng động, hiện đại”, ông Phạm Văn Xô, Tổng Giám đốc Công ty Linker (TX.Dĩ An), khẳng định. Ông đưa ra dẫn chứng: Trước khi nói đến quy mô cấp tỉnh, chúng ta hãy nói ở cấp độ địa phương, đó là TX.Dĩ An. Nơi đây đã trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ với đầy đủ hạ tầng, trong đó có hạ tầng logistics như đường bộ, đường sông và đường hàng không, trong đó nổi bật là các trung tâm logistics nằm sát các khu công nghiệp.

Một lợi thế nữa là Cảng tổng hợp Bình Dương. Đây là cảng sông quốc tế với lợi thế rất lớn vừa giúp giảm áp lực giao thông lên hệ thống giao thông đường bộ vừa đẩy nhanh quá trình giải phóng hàng hóa, xuất nhập khẩu. Nếu được kết nối vào hệ thống đường sắt công nghiệp trong tương lai thì tính chủ động, cơ động của DN càng cao. Nhưng để các lợi thế này phát huy đúng mức, cần có quy hoạch vừa thuận tiện trong kết nối vừa phát huy đúng chức năng cơ bản.

Cụ thể, theo ông Xô, đó là cần phải mở rộng Cảng tổng hợp Bình Dương để xứng tầm một cảng quốc tế và yêu cầu phát triển công nghiệp, logistics của tỉnh. Việc mở rộng này chỉ có Nhà nước mới thực hiện được vì liên quan đến đền bù giải tỏa. Từ việc Nhà nước đứng ra mở rộng, Nhà nước cũng nắm vai trò quản lý để tránh cạnh tranh không lành mạnh. Tiền để quy hoạch, đầu tư Nhà nước sẽ lấy lại chỉ trong thời gian ngắn thông qua các khoản thuế như thuế xuất khập khẩu, thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Nhà nước đầu tư hạ tầng, mở ra cơ hội thuận lợi cho DN; DN làm ăn hiệu quả sẽ tích cực thực hiện các nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Môi trường đầu tư thuận lợi, niềm tin tăng lên thì sẽ thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư nước đến làm ăn. Ở quy mô cấp tỉnh, hướng đi này sẽ có nhiều lợi thế hơn do quy mô rộng hơn, cơ hội, tiểm năng lớn hơn, số lượng DN nhiều hơn. Đó là bước đi mà Singapore đã thực hiện.

Đại diện nhiều DN cho biết, ở quy mô cấp tỉnh, ngành công nghiệp - dịch vụ đã được quy hoạch, riêng đối với quy hoạch phát triển lĩnh vực logistics cần thực hiện bài bản hơn. Bởi vì, nếu không quy hoạch bài bản, thực hiện đồng bộ dễ dẫn tới tình trạng đường mới mở ra ngày càng nhiều nhưng càng mở mới thì càng kẹt xe do xung đột giao thông và thiếu tính kết nối. Bên cạnh đó, hệ thống cảng sông trên địa bàn tỉnh tuy đã có quy hoạch nhưng chưa xứng tầm với sự phát triển của tỉnh, thực tế cho thấy hiện đã có cảng nhưng không có khách hàng đến sử dụng dịch vụ... Vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh cần quy hoạch, phát triển dịch vụ logistics bài bản để tiếp thêm động lực cho tỉnh nhà phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm Logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần: Khi có quyết tâm thì không có gì là không thể

Bây giờ chúng ta tập trung vào quy hoạch ngành công nghiệp logistics vẫn tốt. Bởi vì khi chúng ta đã quyết tâm thì không có gì là không thể; bởi vì đi sau chúng ta phát huy được lợi thế, học được nhiều bài học hay, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ngành công nghiệp logistics dựa trên 3 nhóm chính là đường bộ, đường sông và đường hàng không. Cái gì chúng ta cần phát huy tối đa, cái gì chúng ta chưa có như sân bay thì tăng cường tính kết nối để phát huy giá trị. Tỉnh Bình Dương đã xác định được phân khúc trong quy hoạch phát triển ngành logistics đó là chủ trương thu hút các nhà đầu tư ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại. Tôi cho rằng, địa phương có thế mạnh, xác định được phân khúc sẽ giúp chất lượng, hiệu quả quy hoạch tốt hơn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I: Quy hoạch công nghiệp logistics cần tầm nhìn dài hạn

Phát triển kinh tế công nghiệp mà thiếu quy hoạch công nghiệp logistics sẽ dẫn đến chi phí cao và khó hướng đến bền vững. Theo tôi, lĩnh vực logistics sẽ giảm suất đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn vốn nhờ có bất động sản logistics. Tuy nhiên, có ngắn gì thì cũng phải từ 15 năm trở lên, vì vậy quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn.

Quản lý và thực hiện quy hoạch là vai trò chủ đạo của Nhà nước nhằm kiểm soát và điều hành thị trường, tránh độc quyền, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Từ đó phát huy vai trò đoàn kết, hợp tác của doanh nghiệp trong thực hiện và hỗ trợ thực hiện các dự án do địa phương làm chủ nhằm phát huy tốt nội lực và cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên