Quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp Bình Dương:Hướng đến một nền sản xuất hiện đại

Cập nhật: 21-07-2010 | 00:00:00

Trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, ngành nông nghiệp (NN) Bình Dương đang có những bước phát triển mới cho phù hợp với tình hình chung của tỉnh. Trong tổng thể quy hoạch của ngành đến năm 2020, NN Bình Dương sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ với việc hình thành nên một ngành NN hiện đại.

Những kết quả đáng khích lệ

Ngành NN tỉnh nhà những năm qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành nên các vùng chuyên canh, các mô hình kinh tế mới có hiệu quả cao, gương nông dân điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều. Theo đánh giá chung, ngành NN Bình Dương  giai đoạn 1997-2009 mặc dù gặp nhiều khó khăn về khí hậu, thời tiết, nguy cơ dịch bệnh và đặc biệt là xu thế quỹ đất sản xuất NN ngày càng giảm nhưng nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh luôn có mức tăng trưởng khá: 4,92%/năm. Trong đó ngư nghiệp tăng cao nhất: 14,2%; kế đến là NN: 4,8%/năm và thấp nhất là lâm nghiệp với 4,08%. Cơ cấu toàn khu vực nông, lâm, ngư nghiệp nhìn chung ít có sự chuyển dịch, NN vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn: 97 - 98%; kế đến là thủy sản 1,14% và thấp nhất là lâm nghiệp: 0,98%. Tuy nhiên trong nội bộ từng ngành lại có sự chuyển dịch khá rõ nét theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.

 

Thủy sản đang tăng dần giá trị sản xuất hàng năm

Kết quả nổi bật của trồng trọt là đã hình thành được các vùng chuyên canh (cao su và cây ăn quả); kinh tế trang trại phát triển mạnh và xuất hiện các mô hình NN đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Tính đến cuối năm 2009, các cây trồng chính trên địa bàn tỉnh gồm: cao su là 126.070 ha (tăng 19.000 ha so với năm 2005), sản lượng đạt 177.500 tấn. Kế đến là cây ăn quả với 4.768 ha (giảm 2.814 ha), sản lượng đạt 21.500 tấn. Cùng với các loại cây truyền thống khác như: rau đậu, lúa, hồ tiêu... trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một số loại cây trồng mới hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện mới của NN tỉnh đó là hoa, cây cảnh và cây thức ăn gia súc.

Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đã có bước tăng trưởng khá cao, tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu giá trị sản xuất NN. Chăn nuôi tập trung công nghiệp và chăn nuôi trang trại đã và đang thực sự giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của NN tỉnh nhà, trong đó điểm nhấn là hình thành nên các vùng chăn nuôi chất lượng cao, an toàn dịch bệnh. Tính đến cuối năm 2009, các loại vật nuôi chính trên địa bàn tỉnh gồm: đàn bò có 36.417 con (tăng 5.200 con so với năm 2000), đàn heo là 363.000 con (tăng 276.000 con); đàn gia cầm là 2,4 triệu con (tăng 1,07 triệu con); đàn dê có 3.500 con (tăng 2.600 con).

Ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng bình quân 4,08%/năm. Trong đó trồng và nuôi rừng giảm 2%/năm; khai thác gỗ và lâm sản tăng 3,33%/năm và dịch vụ lâm nghiệp tăng 10,71%/năm. Tính theo giá hiện hành, năm 2009, giá trị sản xuất lâm nghiệp là 108 tỷ đồng, chiếm 0,98% giá trị sản xuất toàn khu vực nông, lâm, ngư nghiệp; trong đó khai thác gỗ và lâm sản chiếm 70%, dịch vụ lâm nghiệp chiếm 23,6%, trồng và nuôi rừng chiếm 5,99%.Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2009 đạt 5.442 tấn (tăng 2.300 tấn so với năm 2005). Trong đó, nuôi trồng đạt 5.169 tấn (chiếm 95%); diện tích nuôi trồng là 405 ha (tăng 33 ha so với năm 2005). Cơ cấu giá trị sản xuất trong lĩnh vực thủy sản có sự chuyển dịch rõ rệt từ khai thác sang nuôi trồng.Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận kể trên, thực trạng nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, khó khăn không dễ khắc phục và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình phát triển. Đất sản xuất NN bị thu hẹp dần, giá vật tư tăng cao trong khi giá bán sản phẩm thấp và luôn biến động. Cây ăn quả sử dụng giống không rõ nguồn gốc dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém nên nông dân không chịu đầu tư phát triển. Dịch bệnh hoành hành trong thời gian qua; giá thức ăn và thuốc thú y tăng cao hơn nhiều so với giá bán sản phẩm, vùng chăn nuôi bị thu hẹp cũng đã gây không ít khó khăn cho việc kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y. Một nguyên nhân tổng quát khác là thiếu cơ chế chính sách mà người thụ hưởng là nhà nông có thể tiếp cận được...

Trong cuộc họp mới đây của Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tham luận rất thiết thực cho tiến trình phát triển. Quan điểm nhất quán của các đại biểu là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn là bộ phận quan trọng và luôn tồn tại khách quan trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển NN bền vững đồng hành với xây dựng nông thôn mới chính là phát huy cao độ vai trò của giai cấp nông dân được xác định là chiến lược góp phần tăng trưởng kinh tế, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phải thực sự góp phần nâng cao đời sống dân cư nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn lực, xây dựng NN - nông thôn phát triển toàn diện tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và sức cạnh tranh cao, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, tiểu vùng sinh thái, ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực và lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Và động lực thúc đẩy phát triển nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh trong thời kỳ 2011-2020 được xác định là ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất gắn với đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Một số chỉ tiêu đặt ra là giá trị sản xuất tăng bình quân 3,5 - 4%/năm; giá trị sản lượng sản phẩm trồng trọt - chăn nuôi bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp (theo giá thực tế) đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Phân vùng sản xuất NN của tỉnh trong thời gian tới sẽ là các huyện phía bắc tập trung hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, các vùng chăn nuôi tập trung cho các trang trại với phương thức chăn nuôi công nghiệp; xây dựng các khu NN ứng dụng công nghệ cao; trồng cây lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng; xây dựng vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái; nuôi thủy sản nước ngọt và thủy đặc sản. Vùng NN tại các huyện phía nam của tỉnh phát triển mô hình NN đô thị sinh thái, ít sử dụng đất, ứng dụng công nghệ cao; trồng các loại rau, hoa, cây cảnh, trái cây đặc sản (măng cụt, bưởi...), nuôi trồng các loại sinh vật cảnh, tạo mảng xanh đô thị...

Phát biểu trong buổi họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định, định hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, NN cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho công nghiệp và đô thị, là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp phải tôn trọng rừng lịch sử, rừng đầu nguồn để bảo đảm môi trường, nguồn nước cho phát triển công nghiệp và đô thị.

CAO SƠN

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam: Trong việc quy hoạch phát triển các vùng cây ăn trái cần tính đến yếu tố thổ nhưỡng riêng của các vùng. Việc quy hoạch cũng cần phải tính toán cho chính xác và linh hoạt. Trong việc phát triển NN đô thị sinh thái cần phải tính toán về quy mô của các mô hình sản xuất cho phù hợp và hiệu quả.

- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Tiến Liêu: Trong lĩnh vực chăn nuôi cần phải quy hoạch gắn với chế biến thức ăn chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi tại các huyện phía bắc cần phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường. Cần có các tính toán hợp lý và chính xác cho từng giai đoạn cụ thể.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên