Quyền của người dân

Cập nhật: 13-09-2010 | 00:00:00

Trong những ngày này, trên các phương tiện truyền thông và dư luận xã hội râm ran bàn đến chuyện “quốc gia đại sự” là nên hay không nên bỏ HĐND cấp quận - huyện, phường - xã. Thật ra đề tài này cũng không phải mới mà trước đây đã có lần Quốc hội đưa ra bàn bạc nghiêm túc, thậm chí một vài địa phương như TP.HCM đã thực hiện thí điểm thành công, nếu đã có ý tưởng và nếu đã có thí điểm thấy phù hợp thì cũng nên đút kết lại để có quyết sách đúng đắn nhằm cải tiến mô hình quản lý xã hội gọn nhẹ và tiến bộ hơn, vấn đề đặt ra là thực hiện việc cải tiến HĐND cấp cơ sở với mục đích cải cách hành chính hay cải cách chính trị. Dư luận xã hội cho đến nay nhìn chung cũng chưa thống nhất về việc bỏ hay không bởi vì ai cũng có quan điểm và lý lẽ của mình, người đồng ý thì cho rằng nên tinh gọn lại bộ máy, bỏ bớt bộ phận thừa để tiết kiệm ngân sách và tăng tính năng động thực quyền của HĐND... Người không đồng ý thì cho rằng phải củng cố cơ quan quyền lực của nhân dân, bớt đầu mối tức là bớt đi vai trò tham gia quản lý xã hội của người dân... Điều 119 và 120 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “HĐND là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân bầu ra... HĐND ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, về quốc phòng và an ninh ở địa phương...”. Tuy Hiến pháp quy định như vậy nhưng lâu nay HĐND cấp cơ sở trong quá trình hoạt động của mình không thực hiện hết các chức năng nhất là quyết về ngân sách, kế hoạch... Nhiều người dân khi nói về HĐND cấp cơ sở hay nhận định về tính thực quyền trong hoạt động. Xu hướng chung trong cải cách hành chính là làm cho bộ máy công quyền càng gọn nhẹ, năng động càng tốt, tồn tại phổ biến ở nước ta hiện nay là bộ máy quản lý và cơ quan quyền lực quá cồng kềnh, kém năng động, chức năng còn chồng chéo giẫm đạp lên nhau... Tuy đã thoát ra cơ chế quan liêu bao cấp nhưng tàn dư và hệ quả của nó vẫn còn, ngân sách vốn ít ỏi lại phải trang trải gánh vác quá nặng, thu nhập bình quân quá thấp khiến cho khu vực công người giỏi thì muốn ra người tài thì không muốn vào...

Bàn về HĐND không chỉ là cải tiến ở cấp nào mà là làm thế nào để nâng cao vai trò của HĐND, bởi vì vai trò của HĐND tăng cao tức là quyền làm chủ của người dân càng được thể hiện. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan dân cử đã tiến một bước để thể hiện vai trò của mình nhất là khâu giám sát và chất vấn tại các phiên họp điều này khiến cử tri cũng phần nào hả dạ, nhưng quan trọng là làm sao để nhân dân có thể tham gia vào các chủ trương, quyết sách lớn từ địa phương đến Trung ương. Thực tế cho thấy, có nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến cuộc sống tinh thần và vật chất của người dân nhưng ít được công bố rộng rãi cho dân biết trước và thiếu tham khảo ý kiến người dân. Hiện chúng ta chưa có cơ chế trưng cầu dân ý nhưng để phát huy quyền làm chủ của người dân nên tăng cường khâu tiếp xúc cử tri, hình thành cơ chế thu thập ý kiến người dân từ đó mới tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mong rằng cải tiến bộ máy quyền lực của nhân dân sắp tới phải đạt được mục tiêu chẳng những tinh gọn mà còn tăng cường tính thực quyền và năng động.

Huỳnh Đình

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên