Quyết liệt kiềm chế tăng giá

Cập nhật: 01-12-2010 | 00:00:00

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, việc kiềm chế CPI tháng 12 trong khoảng 0,4% là rất khó nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục quyết liệt điều hành để kiềm chế tăng giá.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến thời điểm này đã là 9,58% so với tháng 12-2009. Phần còn lại của một con số chỉ còn 0,48%. Trong khi đó, dự kiến, CPI tháng 12 sẽ tăng ở mức 1,3% đến 1,5%, vì vậy, để có thể giữ CPI cả năm 2010 ở mức một con số là rất khó.

 

Đó là những thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết tại buổi họp báo về triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn thị trường hàng hóa chiều 30-11.

 

“Té nước theo mưa”

 

Mặc dù Chính phủ cũng như địa phương đang thực hiện các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, nhưng từ cuối tháng 10 đến nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

 Ảnh: Tuổi Trẻ

Việc tăng giá các mặt hàng như thép xây dựng, thuốc chữa bệnh, gas, đường, sữa, thức ăn chăn nuôi... được các doanh nghiệp lý giải là do tác động của giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng cùng với biến động của giá vàng và USD nên việc tăng giá sản phẩm đầu ra là điều khó tránh khỏi.

 

Tuy nhiên, theo bà Thoa, với những mặt hàng khác không chịu nhiều từ yếu tố nhập khẩu đầu vào như lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, rau, củ, quả... cũng tăng giá là bất hợp lý.

 

Tại cuộc họp báo về tình hình triển khai thực hiện bình ổn giá cả, thị trường cuối năm 2010 và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão mới đây của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết giá cả nhiều mặt hàng tăng lên không phải do khan hiếm nguồn cung mà do tác động tâm lý dây chuyền, khi thấy giá vàng và USD tăng, các tiểu thương nhỏ đã tự ý nâng giá bán, theo kiểu “té nước theo mưa.”

 

Thực tế qua kiểm tra các chợ đầu mối, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau, củ, quả, dầu ăn... vẫn dồi dào và giá cả ổn định.

 

Giá sẽ không tăng đột biến

 

Về khả năng một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có thể tăng giá dịp Tết Nguyên đán, bà Thoa cho biết, hiện cung trong nước hoàn toàn đáp ứng đầy đủ, thậm chí dư thừa nhu cầu trong nước. Có thể xảy ra tăng giá nhẹ một số mặt hàng lương thực, thực phẩm do nguyên liệu đầu vào tăng nhưng tuyệt đối sẽ không có chuyện tăng giá đột biến trong tháng cuối năm, đặc biệt là dịp tết.  

 

Khẳng định ý kiến của bà Thoa, bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu tiêu thụ cuối năm của thị trường.

 

Theo bà Miêng, hiện tổng lượng gạo đang có trong các doanh nghiệp lớn ước khoảng 1 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết đến hết năm là gần 500.000 tấn thì vẫn dư ra gần 500.000 tấn hoàn toàn đủ để phục vụ nhu cầu trong nước. Ngoài lượng gạo trong kho này, lượng gạo thu hoạch thêm vào tháng 12 và tháng 1,2-2011 khoảng vài triệu tấn nữa nên hoàn toàn không lo thiếu. “Nếu người tiêu dùng tin tưởng vào mức cung ứng hàng hóa thì chắc chắn không có chuyện sốt giá đột biến,” bà Miên khẳng định.

 

Ngoài ra, một số mặt hàng khác như thực phẩm, đường cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, bà Miêng cho biết thêm.

 

Tuy nhiên, cũng theo đại diện của 2 bộ Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc bình ổn giá trong giai đoạn này không có nghĩa là không cho giá tăng. Nhiều mặt hàng trong nước như phân bón, đường, thực phẩm... vẫn đang thấp hơn giá thế giới nên vẫn có thể tăng cho phù hợp với diễn biến của thị trường.

 

“Tháng Tám, giá gạo xuất khẩu là 420 USD/tấn nhưng hiện đã có những hợp đồng được ký với giá 500 USD/tấn. Trong khi giá đầu vào như phân bón đang tăng, nếu kiềm chế giá gạo sẽ làm cho bà con nông dân thua thiệt,” bà Miên nói.

 

Về rau, thực phẩm, nhu cầu trong nước tăng khoảng 5,5%, cung sẽ đáp ứng đủ. Ngoài ra, hàng năm nhập khoảng 5 – 6% tổng nhu cầu từ nước ngoài. TP.HCM và Hà Nội đã ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng thịt cho đến hết tháng 3-2011. “Đây là cơ sở thêm để khẳng định không có chuyện tăng giá đột biến”- bà Thoa khẳng định.

 

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa

 

Theo dự báo của Tổ thị trường trong nước, trong tháng 12-2010 có nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá như: Giá nhiều mặt hàng như lương thực, phân bón, thép, xăng dầu, gas trên thị trường thế giới… vẫn tiếp tục tăng hoặc ở mức cao. Đối với mặt hàng thực phẩm, hiện nay nhiều loại rau xanh đã giảm mạnh do vào vụ, nhưng tác động làm giảm CPI không nhiều, trong khi nhóm thịt tươi sống vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh những tháng trước làm ảnh hưởng đến nguồn cung, các hộ chăn nuôi đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán nên giá sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

 

Sở Công thương Hà Nội cũng dự báo, mức tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn thành phố thời điểm từ tháng 12 tới và tháng 1,2-2011 sẽ tăng cao. Ước tính tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Tân Mão 2011 sẽ  tăng khoảng 20-22% so với các tháng khác trong năm; ước khoảng 20.200 tỷ đồng/tháng và chỉ số giá tiêu dùng thời điểm này sẽ tăng mạnh.

 

Như vậy, sau đợt tăng giá mạnh của nhiều loại hàng hóa thiết yếu, giá cả hàng hóa trên thị trường đã có dấu hiệu chững lại nhưng khó có khả năng giảm.

 

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, việc kiềm chế CPI tháng 12 trong khoảng 0,4% là rất khó nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phải quyết liệt điều hành, phải có giải pháp hữu hiệu hơn để phấn đấu kiềm chế tăng giá.

 

Theo đó, để bình ổn thị trường, trước hết phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa; đảm bảo ngoại tệ cần thiết cho nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu; duy trì lượng tồn kho gạo hợp lý để bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường nội địa khi cần thiết. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là tại các chợ, các cửa hàng bán lẻ về việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, phân bón, sữa… ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, liên kết tăng giá bán bất hợp lý.

 

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty rà soát lại cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép và các hàng hóa phục vụ tết.

 

Các doanh nghiệp được tạm ứng vốn để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá mặt hàng thiết yếu đã cam kết thực hiện nghiêm túc việc dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Tân Mão với giá cả ổn định. Trường hợp, khi thị trường có biến động tăng giá, sẽ thực hiện giá bán thấp hơn tối thiểu 10% so với giá thị trường.

 

Một số địa phương như: TP.HCM đã có Chương trình bình ổn thị trường năm 2010 và Tết Tân Mão năm 2011, cấp vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình bình ổn là 380,6 tỷ đồng. TP Hà Nội cũng đã có Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn với tổng số vốn 500 tỷ đồng. Trong đó 100 tỷ đồng cho việc dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, úng ngập; 400 tỷ đồng dành cho việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá… Bên cạnh đó, Bộ cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hành vi đầu cơ tăng giá, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và lưu thông hàng hoá

 

Theo Sở Công thương Hà Nội, 14 doanh nghiệp được thành phố cho tạm ứng 400 tỷ đồng vốn bình ổn giá đã dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ tết, tương ứng gần 10% so với tổng mức tiêu thụ 9 nhóm hàng thiết yếu của thành phố. Cộng với số tiền các doanh nghiệp chủ động dự trữ, tổng lượng 9 nhóm mặt hàng dự trữ phục vụ công tác bình ổn đáp ứng trên 15% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố.

 

Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại, Công ty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu, Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát chuẩn bị trên 75 triệu lít rượu bia các loại, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội sản xuất đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh mứt kẹo các loại.

 

Các trung tâm thương mại dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết với tổng số tiền hàng trên 1.200 tỷ đồng.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên