Quyết liệt ngăn chặn tình trạng đội giá theo xăng, điện

Cập nhật: 24-02-2011 | 00:00:00

Bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng sẽ “mạnh tay” ngăn chặn hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện, giá các loại dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý, trái pháp luật.

>> Tấp nập người đi đổ xăng trước giờ tăng giá

>> Từ 10h sáng nay, giá xăng lên 19.300 đồng

Trong thông cáo gửi báo chí trưa nay (24-2), Bộ Tài chính nêu rõ sự cần thiết phải điều chỉnh giá xăng và giá điện. Theo đó, nếu tính đủ chi phí, đủ thuế và không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì giá xăng về lý thuyết sẽ phải tăng thêm 6.493 đồng/lít xăng, 6.260 đồng/lít dầu diesel, 6.692 đồng/lít dầu hỏa và 4.334 đồng/kg dầu mazut.

  Giá xăng tăng từ 2.110 đồng đến 3.550 đồng/lít từ 10h sáng nay (24-2).  

Tuy nhiên, với nỗ lực bình ổn giá như giữ mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% và tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá nên giá xăng trên thực tế chỉ tăng từ 2.110 đồng đến 3.550 đồng/lít từ 10h sáng nay (24-2).

Trong khi đó, nếu tính đủ các chi phí đầu vào giá điện phải tăng 62%, nhưng với sự hỗ trợ của nhà nước giá điện chỉ tăng bình quân 165 đồng/KWh, bằng 24,3% so mức đáng lẽ phải điều chỉnh và bắt đầu áp dụng từ ngày 1-3 tới.

Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh giá xăng và  điện tăng sẽ tác động trực tiếp tới CPI trong thời gian tới.

Do đó, Chính phủ vừa quyết liệt chỉ đạo các ban bộ ngành tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể (hành chính, kinh tế) để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện, giá các loại dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý, trái pháp luật.

Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện triệt để chủ trương về tiết kiệm chi phí xăng dầu trong tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đảng, đoàn thể và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo cụ thể các doanh nghiệp có biện pháp quyết liệt cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm, chống lãng phí, tăng năng suất, hạ giá thành để khắc phục khó khăn do giá “đầu vào” tăng và để góp phần kiềm chế việc tăng giá đầu ra.

Các ban bộ ngành cùng phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát cung – cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.

Từ Quý II-2011 trở đi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng thì sẽ điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).

Theo VTC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên