Quyết liệt phòng ngừa cúm A/H5N1

Cập nhật: 05-03-2012 | 00:00:00

Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, sau khi trường hợp của Trương Phú Sơn (SN 1980, ngụ Thanh Hóa, tạm trú tổ 12, KP8, P.Phú Lợi, TX.TDM, Bình Dương) bị mắc cúm A/H5N1, Chi cục Thú y đã tiến hành rà soát lại số gia cầm xung quanh nơi bệnh nhân Sơn đã từng ở, làm vịt và ăn tiết canh vịt tại KP8, P.Phú Lợi với 100 con gà được nuôi tại 7 hộ gia đình. Và đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực này. “Chúng tôi khẳng định, khả năng ổ bệnh xuất hiện tại nơi này là rất thấp vì đàn gia cầm khoảng 7.000 con tại Phú Lợi đã được giám sát và tiêm phòng đầy đủ”, ông Tạ Trọng Khang khẳng định.   Cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm người thân từng tiếp xúc với bệnh nhân Sơn

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho hay, ngay sau khi có mẫu dương tính với cúm A/H5N1 của bệnh nhân Sơn, Viện Pasteur TP.HCM đã yêu cầu tiến hành tiêu độc, khử trùng và lập danh sách kiểm tra theo dõi, cách ly những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này. Ngoài ra, tại nơi bệnh nhân Sơn ở với gia đình tại KP8, P.Phú Lợi, TX.TDM, cơ quan chuyên môn cũng đã tiến hành lấy dịch vòm miệng và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các thành viên trong gia đình.

Ông Hà cho hay, để hỗ trợ cho Bình Dương có thể chủ động phòng, chống dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM đã cấp cho Bình Dương 300 viên tamiflu. Ngoài việc tiêu độc, khử trùng những nơi Sơn từng ở và làm việc, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1; đồng thời yêu cầu y tế các huyện, thị rà soát, chuẩn bị tốt các kế hoạch tiêu độc, khử trùng những nơi dễ có nguy cơ phát dịch tại các hộ chăn nuôi gia cầm. Bà Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Bình Dương cho hay, trung tâm sẽ tổ chức tập huấn cho các trung tâm y tế các huyện, thị về công tác điều trị cúm A/H5N1. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong công tác phòng, chống với loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Làm việc tại Bình Dương, TS-BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, các cơ quan hữu quan của Bình Dương cần tiếp tục kiểm tra, giám sát để xác định các ổ dịch nếu có. Riêng trường hợp của Sơn, nguồn lây có thể là Thanh Hóa, cũng có thể là Bình Dương - nơi bệnh nhân làm việc. Thứ ba có thể là Củ Chi, TP.HCM, vì bệnh nhân có mua vịt chạy đồng tại Củ Chi về làm và ăn thịt. Do vậy, Viện Pasteur TP.HCM cố gắng xác định nguồn gây bệnh nhưng vẫn đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Do đó, giải pháp trước mắt hiện nay là khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp như không giết, mổ gia cầm bệnh, chết và gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm được chế biến chưa kỹ. Song song đó, khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở nhưng khi đó có tiếp xúc với gia cầm thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

H.VĂN - C.SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên