Rà soát việc lắp đặt biển báo tải trọng ở một số địa phương: Biển báo cần chỉnh sửa cho phù hợp

Cập nhật: 07-06-2017 | 08:46:04

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát, thống kê việc lắp đặt biển báo tải trọng (BBTT), biển báo tốc độ tối đa cho phép (TĐTĐCP) trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An và TX.Thuận An, theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh, trên địa bàn 3 địa phương nói trên, đối với các tuyến đường do địa phương quản lý thì TP.Thủ Dầu Một hiện có 2, TX.Thuận An có 18, TX.Dĩ An có 6 BBTT P.115 (tải trọng toàn bộ xe). Riêng BBTT P.116 (TT trên trục xe) thì chỉ có TX.Thuận An có 10 biển báo. 

Đối với các tuyến đường do các Công ty BOT quản lý, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An có tuyến ĐT.743 (Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương), quốc lộ 13 (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC), đường Huỳnh Văn Cù (Công ty BOT cầu Phú Cường), đường ĐT.741 (Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng VRG), hiện tại các tuyến đường này chưa có lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một sẽ được lắp đặt thêm các loại biển báo giao thông trong thời gian tới

Cũng theo Sở GTVT, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một ít có tuyến đường lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng so với 2 địa bàn còn lại. Các địa phương chưa (hoặc rất ít) triển khai lắp đặt BBTT trục trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường chính. Địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An có lắp đặt nhiều biển báo hạn chế tải trọng toàn bộ xe với nhiều mức khác nhau (1 tấn; 2,5 tấn; 5 tấn...); nhiều thời gian khác nhau (6 giờ - 7 giờ; 6 giờ 30 - 7 giờ 30; 16 giờ - 17 giờ...) nên đã hạn chế được ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, đặc biệt là các phương tiện container, xe tải nặng lưu thông trên các tuyến đường trong đô thị TX.Dĩ An.

Tuy nhiên, hạn chế của giải pháp này là gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là trên cùng một tuyến đường có nhiều hạn chế tải trọng theo giờ khác nhau, các tuyến đường trong một khu vực lắp đặt BBTT có giá trị hạn chế tải trọng khác nhau. Từ đó, ngành chức năng đã đề nghị các địa phương thực hiện lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng P.116 trên các tuyến đường trục chính thay cho biển báo hạn chế tải trọng P.115 để bảo đảm phù hợp với thiết kế của cấp đường.

Bên cạnh đó cần rà soát, chỉnh sửa lại các giá trị hạn chế tải trọng trên các tuyến đường theo hướng: Hạn chế trên một tuyến đường có 2 loại giá trị hạn chế tải trọng theo các thời gian khác nhau; các tuyến đường cùng cấp, tiếp giáp, gần nhau cùng có giá trị hạn chế tải trọng để thuận lợi cho các phương tiện lưu thông; lắp đặt BBTT theo thời gian để thuận lợi cho các đơn vị, xí nghiệp kinh doanh trên tuyến. Đồng thời đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện đi sai tuyến đường, không tuân thủ biển báo hạn chế tải trọng.

Về biển báo TĐTĐCP đối với các tuyến đường do địa phương quản lý; trên cả 3 địa bàn nói trên hiện không có lắp đặt biển báo hạn chế TĐTĐCP. Theo đó, TĐTĐCP đối với các phương tiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 91/2015/ TT- BGTVT. Riêng các tuyến đường do Công ty BOT quản lý thì chỉ có quốc lộ 13 có 23 biển báo, đường ĐT.743 có 6 biển báo các loại.

Từ đó, Sở GTVT đã kiến nghị Tổng Công ty Becamex IDC lắp đặt biển báo khu vực đông dân cư, biển báo TĐTĐCP trên quốc lộ 13 theo Thông tư số 91. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Hạ tầng VRG, Công ty TNHH BOT cầu Phú Cường, Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương phối hợp với các ngành chức năng có liên quan rà soát, lắp đặt biển báo bắt đầu khu vực đông dân cư, biển báo TĐTĐCP trên các tuyến đường do công ty quản lý.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, lắp đặt biển báo bắt đầu khu vực đông dân cư, biển báo hết khu vực đông dân cư trên địa bàn quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 91. Rà soát, lắp đặt biển báo hạn chế TĐTĐCP trên địa bàn đối với các tuyến đường ngoài khu vực đông dân cư với TĐTĐCP lớn hơn hoặc bằng 50 km/giờ phù hợp theo Thông tư 91.

 Biển báo giao thông đường bộ hay còn được gọi là hệ thống báo hiệu đường bộ là hệ thống rất nhiều biển báo giao thông cung cấp thông tin cụ thể cho người tham gia giao thông. Biển báo giao thông đường bộ được chia thành 6 nhóm chính là biển báo cấm; biển báo nguy hiểm; biển báo hiệu lệnh; biển báo chỉ dẫn; biển báo phụ; vạch kẻ đường. Biết được ý nghĩa của các loại biển báo sẽ giúp người đi đường an toàn, tránh bị xử phạt vì thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

 

PHI LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên