Một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm vô cùng có hiệu quả, rẻ tiền và dễ thực hiện ở tất cả mọi nơi, mọi lúc và ai cũng có thể thực hiện được đó chính là rửa tay (hay nói cách khác là vệ sinh tay). Đã có rất nhiều nghiên cứu từ nhiều quốc gia trên thế giới khi thực hiện chương trình tuyên truyền rửa tay cho toàn dân, nhà trường và trẻ em, đã giúp làm giảm 50% bệnh nhân bệnh hô hấp cấp tính phải nhập viện, giảm số ngày nằm viện và giảm tử vong.
Vậy thì làm thế nào để tăng cường việc vệ sinh tay ở ngoài cộng đồng, trường học và gia đình? Thật đơn giản, trước tiên chúng ta cần phải:
1. Tuyên truyền việc vệ sinh tay ở mọi nơi, mọi lúc nhất là các nơi công cộng, trường học, nhà vệ sinh, gia đình.
2. Cung cấp đầy đủ các phương tiện tối thiểu cho thực hiện vệ sinh tay: bồn rửa tay có nước sạch, khăn lau tay sạch dùng 1 lần, thùng đựng khăn lau tay sạch và bẩn, tranh tuyên truyền khi nào phải vệ sinh tay và kỹ thuật rửa tay.
3. Trong những khu vực không thể có bồn rửa tay như lớp học, bệnh viện, gia đình có thể trang bị thêm các dung dịch sát trùng tay nhanh có chứa cồn, giúp sát trùng tay trước khi phải làm việc.
Khi nào cần phải rửa tay? Một nguyên tắc được đặt ra là khi bàn tay có tiếp xúc với bất kỳ vùng nào có nguy cơ lây nhiễm dù có hay không nhìn thấy tay bẩn cũng nên rửa tay ngay trước khi rời đi qua vùng khác hoặc làm công việc khác. Cụ thể là nên vệ sinh tay khi: Trước khi ăn uống, chế biến thức ăn sống hay chín, trước khi chăm sóc cho trẻ hoặc người bình thường cũng như bị bệnh. Sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh nhà cửa, vệ sinh bề mặt, nhà cửa, sau khi có tiếp xúc với thú vật, vật nuôi trong nhà, sau khi vui chơi thể thao hoặc sau khi dùng tay che miệng để ho, hắt hơi hoặc ngoáy mũi.
Khăn lau tay luôn sạch, chai hoặc giá đựng xà bông luôn sạch và thay thường xuyên, không để cáu bẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào. Nếu bồn vòi rửa tay quá thấp không nên dùng bàn tay đã rửa đóng vòi nước, nên dùng khăn lau tay đóng vòi nước lại.
BS CKII Nguyễn Thị Thanh Hà
(BV Nhi Đồng 1, TP.HCM)