Sản xuất và tiêu dùng nông, lâm, thủy sản: Những chuyển biến đáng ghi nhận
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Cùng với xu thế, yêu
cầu trong việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có chất lượng ngày càng cao của
người dân, hoạt động thanh kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng các loại
nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Hoạt động này
một mặt tác động đến ý thức của người sản xuất trong việc tạo ra các loại sản phẩm
có chất lượng hơn, mặt khác còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong
việc chọn và sử dụng các loại thực phẩm an toàn, có chất lượng.
Ý thức tiêu thụ nông sản sạch của người dân ngày càng cao. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh rau sạch ở TP. Thủ Dầu Một
Tại Bình Dương, các mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) xuất hiện ngày càng nhiều và đang dần dần hướng đến việc sản xuất rau sạch. Rau là nguồn thực phẩm thiết yếu hàng ngày của người dân và sức tiêu thụ của loại mặt hàng này rất mạnh. Các vùng sản xuất RAT như thị trấn Uyên Hưng (huyện Tân Uyên), phường An Thạnh, Bình Chuẩn (TX.Thuận An), xã Tân Định (huyện Bến Cát)… đã trở thành những vùng cung cấp rau sạch cho hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối tại Bình Dương. Trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, tại một số xã như Hiếu Liêm, Bạch Đằng (Tân Uyên), Long Nguyên (Bến Cát), Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) cũng đã xuất hiện các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Còn với các mô hình sản xuất rau thủy canh, do việc ứng dụng các kỹ thuật cao trong sản xuất, vì vậy mà yếu tố chất lượng sản phẩm luôn luôn được chú ý. Nhìn chung, ý thức sản xuất của nông dân Bình Dương đã được nâng cao dần qua từng năm. Từ đó tạo ra các sản phẩm an toàn, có chất lượng cho thị trường.
Anh Hoàng Thái Hà, hộ sản xuất RAT tại ấp Lễ Trang, xã Vĩnh
Hòa (Phú Giáo) cho biết: “Những người sản xuất rau tại địa phương luôn có ý
thức về việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước tưới bảo
đảm theo đúng các yêu cầu đề ra. Việc sản xuất rau ngoài việc đem bán cho thị
trường còn được chúng tôi sử dụng trong gia đình, vì vậy độ an toàn, chất lượng
là những yếu tố đặt lên hàng đầu. Vì vậy mà trồng rau mấy chục năm nay chúng
tôi chưa hề nhận được sự phàn nàn nào từ người mua”. Ông Đinh Thiên Thuận, Chi
cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và hải sản Bình Dương
cho biết, qua 3 năm liên tục, nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng
như thực hiện khuyến cáo cho người sản xuất mà tỷ lệ hộ sản xuất vi phạm về sử
dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng
qua hàng năm giảm thấy rõ, trong đó chuyển biến rõ nhất là với người trồng rau
Bình Dương. Đơn cử trong năm 2012 vừa qua, 100% các mẫu rau tại Bình Dương được
xét nghiệm không có mẫu nào vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ
hộ chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc cũng đã giảm mạnh.
Các hộ trồng rau ở Bình Dương đã chú ý hơn đến việc tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng. Trong ảnh: Trồng rau an toàn tại phường An Thạnh, TX.Thuận An.
Về phía người tiêu thụ, ý thức về việc sử dụng các loại thực phẩm sạch, an toàn cũng đã được nâng cao rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ tại phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Trước đây do chưa hiểu biết nhiều về yêu cầu chất lượng của các loại thực phẩm như cá, rau, thịt, trứng nên tôi cũng không chú ý lắm về nguồn gốc. Nhưng hiện nay, qua các phương tiện thông tin chúng tôi thấy rằng nếu sử dụng các loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe bản thân và gia đình. Vì vậy, khi mua các loại thực phẩm tôi chú ý hơn đến xuất xứ, hạn sử dụng và tôi cũng thường vào mua hàng tại các siêu thị, các chợ trung tâm cho an tâm”.
Tuy nhiên, tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ công nhân, theo quan sát của chúng tôi, các loại mặt hàng thực phẩm kém chất lượng vẫn có sức tiêu thụ lớn. Vấn đề quản lý các loại mặt hàng này vẫn đang là câu hỏi khó cho các cơ quan chuyên môn. Ông Đinh Thiên Thuận cho biết thêm: “Chúng tôi đánh giá mặt bằng chất lượng của các loại nông sản tại các chợ này thấp hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên các mặt hàng này tồn tại được vì công nhân có mức thu nhập thấp hơn nên họ chuộng rẻ. Bên cạnh đó biện pháp quản lý khó hơn vì giờ giấc hoạt động của các chợ không cố định hay người kinh doanh tại đây đến từ nhiều địa phương nên thực hiện các biện pháp xử lý khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sự thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản chất lượng thấp có cơ hội được tiêu thụ mạnh”. Ông Thuận cũng cho rằng, để việc quản lý các mặt hàng nông sản tại các siêu thị, chợ có hiệu quả cao cần phải có sự phân định rõ ràng giữa các đơn vị như quản lý thị trường, y tế, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và hải sản.
Có thể thấy, hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần giải quyết tốt các mặt hạn chế để công tác này đạt kết quả cao hơn.
• CAO SƠN