Sản xuất rau mầm - hướng đi phù hợp với nông nghiệp đô thị

Cập nhật: 12-11-2019 | 08:28:03

Xuất phát từ xu hướng của thị trường, chị Phạm Thị Giang, ngụ khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An đã mạnh dạn đầu tư sản xuất rau mầm. Qua 3 năm hoạt động, cơ sở rau mầm Việt Long của chị đã có chỗ đứng trên thị trường. Bình quân mỗi tháng, cơ sở mang về doanh thu gần 180 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

 

Chị Giang (bên trái) chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau mầm tại cơ sở của mình. Ảnh: VĂN TIẾN

Cũng là người nội trợ trong gia đình nên chị Giang hiểu nhu cầu sử dụng rau sạch trong bữa ăn có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Đồng thời, chị nhận thấy xu hướng dùng rau sạch của người dân là tất yếu. Chính vì vậy, ban đầu chị trồng thử nghiệm, chủ yếu là rau mầm để gia đình sử dụng.

Sau đó, chị tự tìm tòi học hỏi cách làm cho rau mầm lên đều. Nhưng chừng đó là chưa đủ, nhiều lần chị làm số lượng rau lên không đều, lại bị hư hỏng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần chị tích lũy được kiến thức và cho ra sản phẩm rau mầm bảo đảm chất lượng và bắt đầu kinh doanh mặt hàng này.

Nhờ sản phẩm chất lượng, an toàn sức khỏe, chịu khó giới thiệu sản phẩm… nhiều khách hàng đã đến cơ sở của chị thu mua rau. Số đơn hàng tăng nhanh, chị thuê thêm nhân công, vào lúc cao điểm có đến 7 - 8 lao động. Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, chị chủ yếu làm rau mầm theo đơn đặt hàng của khách nên không có hàng tồn. Để có sản phẩm rau mầm, khách hàng phải đặt trước 1 tuần, bởi quy trình sản xuất rau mầm kéo dài từ 7 - 10 ngày tùy theo loại rau. Như rau mầm cải, rau mầm muống cần đến 7 ngày, rau mầm hướng dương lâu hơn, đến 10 ngày.

Với diện tích đất vườn khoảng 500m2, chị Giang đầu tư giá đỡ và khay dựng bằng xốp. Hiện cơ sở rau mầm của chị có gần 3.000 khay. Vì rau mầm chỉ thích hợp khí hậu ấm, không quá nóng và quá lạnh nên chị che thêm lưới chống nắng để bảo đảm nhiệt độ vừa phải cho rau phát triển đều. Mỗi ngày, chị tưới rau 2 lần nhằm tạo độ ẩm phù hợp.

Chị chia sẻ, quy trình từ hạt giống cho ra sản phẩm rau mầm trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên, chị ngâm hạt giống từ 8 - 12 giờ, sau đó vớt ra ủ cũng từ 8 - 12 giờ để hạt nảy mầm; tiếp đó cho vào khay ủ với phân (phân được làm bằng xơ dừa kết hợp với vôi để khử trùng); cuối cùng là tưới nước tạo độ ẩm cho rau mầm phát triển. Từ công đoạn ngâm cho đến thành phẩm kéo dài 7 - 10 ngày.

Đối với hạt giống, chị ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp hạt giống có thương hiệu, như Sen Vàng, Phú Nông (TP.Hồ Chí Minh). Do đó chị rất an tâm về chất lượng cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở rau mầm Việt Long đã được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Chị sản xuất rau mầm không dùng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là sử dụng phân hữu cơ từ xơ dừa để sản xuất.

Chị Giang dự định mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các loại rau mầm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chị cũng sẽ sớm liên hệ với cơ quan chức năng để đăng ký thương hiệu, từ đó nỗ lực đưa rau mầm Việt Long vào bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn.

 Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân, đến nay chị Giang đã phát triển cơ sở rau mầm cung cấp cho thị trường. Với mức giá rau mầm như hiện nay, mỗi tháng doanh thu của cơ sở rau mầm của chị đạt gần 180 triệu đồng. Không chỉ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, cơ sở rau mầm Việt Long còn tạo việc làm cho lao động địa phương.

 VĂN TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên