Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp Bình Dương, giúp cho các doanh nghiệp (DN) xây dựng hình ảnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và đưa công nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.
Dây chuyền sản xuất và gia công hệ thống dây dẫn điện cho ô tô của Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TX.Dĩ An) (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG PHẠM
Cơ hội cho DN
SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, với mục tiêu tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước. Sự phát triển đó đồng nghĩa với việc tiêu thụ các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng ngày một gia tăng, kéo theo những nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường từ các DN ngày càng nhiều và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng ngày càng cạn kiệt.
Ngày 19-7-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số1849/ QĐ-UBND vềviệc ban hành Kếhoạch SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Kế hoạch nêu rõ: “Hoạt động sản xuất phải chú trọng đến hiệu quảsửdụng nguyên liệu vànăng lượng đầu vào, giảm thiểu phát thải vàhạn chếmức độtăng ô nhiễm đầu ra, bảo vệvàcải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người vàbảo đảm phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng tiến hành áp dụng các giải pháp sạch hơn và tiết kiệm từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu trên đơn vị sản phẩm”. Đây là hướng đi phù hợp với tất cả cơ sở công nghiệp.
Theo tiến sĩ Trần Văn Thanh, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, áp dụng SXSH trước hết mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cho DN, giúp DN giảm thiểu tối đa chi phí và lượng chất thải công nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là hướng phát triển tất yếu của DN trong thời gian tới. Chi phí áp dụng SXSH nhiều hay ít phụ thuộc vào các giải pháp mà DN lựa chọn. Chẳng hạn, giải pháp quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp. DN đề ra hướng khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng để tránh tổn thất là đã thực hiện SXSH… Cũng theo tiến sĩ Thanh, việc thực hiện SXSH không khó đối với DN, song DN phải có cam kết thực hiện, đặc biệt là duy trì việc đánh giá SXSH trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, trên thế giới đang có sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh. Chính vì vậy, khi DN đã có những nỗ lực thực hiện về SXSH sẽ có thể mở ra được nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.
Tín hiệu vui từ DN tỉnh nhà
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc áp dụng SXSH trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các DN đã nhận biết được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ DN thực hiện đánh giá nhanh, chi tiết SXSH đã mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, đặc biệt nó có sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. SXSH hơn áp dụng ở mọi quy mô DN, tuy nhiên mức độ hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, nguồn lực, công nghệ… Hiện nay, các DN gỗ trên địa bàn tỉnh đã sử dụng công cụ quản lý nội vi 5S để thực hiện mô hình SXSH.
Tại hội thảo “SXSH và tiết kiệm năng lượng năm 2017” lãnh đạo nhiều DN trên địa bàn tỉnh vừa tích cực đưa ra các giải pháp về SXSH và tiết kiệm năng lượng. Đại diện Công ty Panasonic đã giới thiệu giải pháp hệ thống năng lượng mặt trời dựa trên tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam. Đây là mô hình điển hình về giải pháp cải tiến công nghệ trong sản xuất đã giúp công ty tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Công ty ABB Việt Nam đưa ra giải pháp hiệu quả từ mô hình “Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho bơm, quạt, máy nén khí”. Đây là giải pháp điển hình cho việc kết hợp hài hòa giữa quản lý nội vi và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng điện trong quá trình sản xuất…
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của các DN trên địa bàn tỉnh, tin rằng, Bình Dương sẽ đạt được mục tiêu đề ra về SXSH trong công nghiệp trong thời gian tới.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) cho biết, việc áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. HIện nay, tiềm năng áp dụng SXSH trong các DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn. Trong thời gian tới, trung tâm mong muốn các DN chú trọng hơn tới giải pháp tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nước, hóa chất, năng lượng trong quá trình sản xuất; việc phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường trong quá trình sản xuất… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
TIỂU MY