Sản xuất và xuất khẩu ván ép : Cần chấn chỉnh tình trạng tự phát!

Cập nhật: 11-01-2011 | 00:00:00

Sản xuất - xuất khẩu ván ép và các sản phẩm làm từ ván ép chiếm một tỷ trọng đáng kể trong ngành chế biến gỗ của tỉnh, thế nhưng nếu không được quy hoạch và quản lý tốt thì khả năng lãng phí nguồn tài nguyên là khó tránh khỏi.

 Trên 80% các mặt hàng gỗ xuất khẩu cũng như sử dụng nội địa đều ít nhiều sử dụng ván ép. Chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu đơn vị sản xuất ván ép tại địa phương, bởi ngoài các công ty sản xuất có giấy phép, còn rất nhiều các cơ sở nhỏ cũng tham gia thị trường sản phẩm này một cách tự phát. Do chi phí đầu tư ban đầu không cao và công nghệ đơn giản nên việc sản xuất ván ép tương đối dễ dàng, nhất là các sản phẩm không đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như miếng bọc nệm ghế, thang giường... và đương nhiên giá bán ván ép loại này cũng rất rẻ, thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước khác như Trung Quốc, Malaysia...

  Cần quản lý chặt chẽ ngành sản xuất ván ép để tránh lãng phí tài nguyên

Nguyên liệu chính để sản xuất ván ép là gỗ và keo, trong khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, do quản lý sản xuất không chặt chẽ nên nguồn lợi thu được không tương xứng với những gì đã mất đi. Ở Trung Quốc, gần như toàn bộ các công ty sản xuất ván ép đều được tập trung lại một khu vực (Sơn Đông), khoảng 2.000 nhà máy với công suất khá lớn và tất cả các sản phẩm cùng loại của các nhà máy này cùng được bán một giá (nếu có chênh lệch chỉ là cước vận chuyển xa hay gần). Điều này giúp Nhà nước quản lý tốt được nguồn lợi tài nguyên của đất nước, giúp các doanh nghiệp mới vẫn đứng vững với sản phẩm của mình.

Việc phát triển sản xuất ván ép là một tất yếu của toàn ngành chế biến gỗ, do vậy công tác quản lý  cũng như hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất là cần thiết. Nguồn tài nguyên rừng tự nhiên của tỉnh sau khi chia tách không còn nữa nên các nhà sản xuất ván ép chủ yếu dùng gỗ vườn như cao su, điều và nguồn tài nguyên này cũng không phải là vô tận. Chính vì lẽ đó mà việc làm tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm là mục tiêu phải được đặt lên hàng đầu của các nhà sản xuất, tuy nhiên để làm được điều này cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Các cơ sở sản xuất ván ép tự phát không giấy phép nên công tác khai báo thuế cũng như các nghĩa vụ khác gần như không được thực hiện, do vậy sản phẩm làm ra được bán thấp hơn giá trị thật vốn có của nó, gây khó khăn cho các công ty sản xuất chân chính, mà đặc biệt gây lãng phí tài nguyên của đất nước. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ván ép cũng cần tìm giải pháp để giảm chi phí sản xuất. Được biết tỷ lệ ván sau khi bóc tách từ gỗ tròn (lạng ván) chỉ chiếm khoảng gần 50%, do vậy giá thành sản phẩm đã phải chịu thêm chi phí cho việc vận chuyển “rác” từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng nhà máy sát vùng nguyên liệu chưa khả thi do nhiều nguyên nhân như không thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng ra bến cảng, lao động ít có xu thế quan tâm đến vùng xa... Nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể đặt một số công đoạn sơ chế tại chỗ nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển không cần thiết và tận dụng được nguồn lao động của địa phương.

Có một sự thật đáng để các nhà sản xuất ván ép trong nước quan tâm đó là khi sản phẩm của mình làm ra được bán với giá rẻ (trung bình chỉ từ 3 triệu đến 7 triệu đồng một mét khối) thì một số công ty phải nhập khẩu ván ép từ nước ngoài với giá rất cao (trên 10 triệu đồng một mét khối) do ván ép sản xuất trong nước không đạt chất lượng, trong khi chất liệu gỗ của ván nhập khẩu lại kém chất liệu cây gỗ Việt Nam, vì vậy đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại cũng là một yêu cầu cần thiết.

Sản xuất ván ép của tỉnh nhà cũng giải quyết việc làm cho không ít lao động. Theo dự báo nhu cầu sử dụng ván ép thời gian tới tiếp tục gia tăng, do đó việc quy hoạch, quản lý, giúp đỡ để phát triển tốt ngành nghề này cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên