Sáng tạo để vượt qua dịch bệnh

Cập nhật: 09-04-2020 | 08:41:34

 Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những ngày qua, tại những nơi còn tập trung đông người như chợ, cửa hàng mua bán thực phẩm, siêu thị, công ty xí nghiệp đang hoạt động… đều tìm cách bảo đảm giãn cách xã hội theo tinh thần của chỉ thị. Theo đó, nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm bảo đảm khoảng cách giữa người này và người kia để không lây lan dịch bệnh. Nhiều sự sáng tạo ra đời, đem lại hiệu ứng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu công việc, vừa góp phần tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Thực hiện cách ly xã hội, nhưng trong những ngày qua, trên địa bàn Bình Dương vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù các doanh nghiệp này đã chú trọng vấn đề giữ khoảng cách giữa các công nhân trong hoạt động sản xuất, nhưng do số lượng công nhân đông, trong khi nhà ăn chật hẹp nên việc giãn cách trong bữa ăn là điều không ít chủ doanh nghiệp phải suy nghĩ. Để giải quyết bài toán này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chia nhỏ từng tốp công nhân lao động và kéo giãn bữa ăn trưa thành nhiều tốp để giữ khoảng cách cần thiết. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã có sáng kiến làm vách ngăn trên bàn ăn để bảo đảm vấn đề cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tương tự, tại khu vực tính tiền ở hầu hết các siêu thị, nơi thường tập trung đông người, việc kẻ ô xếp hàng không ngoài mục đích giữ khoảng cách giữa mọi người. Nhiều cửa hàng mua bán thực phẩm còn sáng tạo ra chiếc ròng rọc chuyển hàng, thu tiền để bảo đảm giãn cách xã hội, không tiếp xúc gần giữa người bán và người mua. Đối với công tác xã hội, để không tiếp xúc gần, người ta nghĩ ra đủ cách về việc trao và nhận các món quà “nhường cơm sẻ áo” mà người trao và người nhận không cần tiếp xúc với nhau. Đơn cử, tại TP.Hồ Chí Minh có gia đình đã sáng tạo ra chiếc máy “ATM gạo” để chia sẻ với những người khó khăn. Cứ mỗi lần nhấn nút, chiếc máy “ATM gạo” này sẽ nhả ra một lượng gạo đủ để một gia đình có thể nấu ăn trong 1 ngày mà người nhận không hề biết mặt người trao.

Ngoài các sáng tạo nhỏ nêu trên, dịch bệnh cũng đã và đang thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà khoa học. Tại các bệnh viện chữa trị cho những người mắc dịch bệnh Covid-19, nhiều nơi đã sử dụng robot thay thế con người đưa thuốc men, cơm cháo đến phòng bệnh nhân để tránh tiếp xúc gần giữa đội ngũ thầy thuốc và bệnh nhân. Công nghệ thông tin cũng được đưa vào khâu khám chữa bệnh thông qua việc hiển thị các chỉ số sinh hiệu bệnh nhân trên màn hình điện tử để bác sĩ tiện giám sát và theo dõi... Cùng với những sáng tạo đã ra đời, trong những ngày này, hàng triệu nhà khoa học trên thế giới đang tranh thủ từng giây để tìm ra các loại thuốc có thể chữa trị dịch bệnh Covid-19 đang tấn công thế giới loài người.

Sức sáng tạo của con người là vô tận và càng khó khăn thì sức sáng tạo của con người càng lớn. Lịch sử đã chứng minh, nhiều sáng tạo ra đời chỉ sau một thời gian ngắn bởi thảm họa dịch bệnh, nhưng mang lại giá trị vĩnh hằng vì lợi ích của con người. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, tin rằng những sáng tạo như thế sẽ sớm xuất hiện.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên