Sao mẹ không cho con trưởng thành?!

Cập nhật: 15-12-2012 | 00:00:00

 “Hôm qua bận chút việc nên đón cu con trễ gần tiếng đồng hồ. May mà cu con không giận mẹ”, một người mẹ nói chuyện cùng các bà mẹ khác về con mình vậy. Tưởng “cu con” của chị đang học mầm non, tiểu học gì đó, ai ngờ anh chàng đang là sinh viên đại học năm thứ nhất…  

Vẫn là bé con

Người mẹ mà tôi đề cập trên đây là chị H., một “nội trợ điểm 10” vì luôn lo cho gia đình rất tươm tất. Với chị, đứa con trai cưng vẫn còn là đứa trẻ. Chị luôn chăm sóc con cẩn thận với lo lắng không biết con có thiếu thốn hay “cảm thấy khó chịu” gì không…

Con trai chị là con một nên chị cưng thằng bé hết sức. Nó lớn tướng, cao gần mét bảy nhưng với chị H. nó vẫn là “cu con”. Sáng, con chuẩn bị đến trường là chị đã vào bếp nấu nướng. Khẩu phần ăn sáng của con luôn là những món nóng sốt ngon lành từ phở, cơm tấm sườn hay bò bít tết bánh mì... Ăn xong, chị còn pha cho con ly nước trái cây hay đưa một hộp sữa tươi. Như thế chị mới yên tâm là “cu con” có đủ dinh dưỡng để “chiến đấu” một buổi ở trường. Con học một buổi nên trưa chị lại vội vàng cơm nước cho con trai. Lại một bữa ăn được chăm bẵm như với một cậu bé tiểu học…

Thương và lo cho con nên chị H. không để con đụng đến việc nhà bởi sợ con vất vả, không có thời gian học hành. Coi con luôn nhỏ dại đến mức, hồi nó học phổ thông, nếu tham gia câu lạc bộ cờ vua, văn nghệ thì được chứ vào đội bóng đá chị nhất định không cho. Với chị, chơi thể thao để rèn luyện thân thể thì được nhưng tuyệt đối tránh các môn “thể thao giành giật, đấm đá”. Chị thường nói hay ho gì cái trò mấy chục con người giành nhau trái banh. Rồi thì “con đừng đá banh nghe, con ngã, mẹ… đau lắm đó!”. Hết cách, con trai chị đành chọn các môn thể thao “hiền lành” như cầu lông, bơi, chạy bộ…

Tác dụng ngược

Theo như chị tâm sự cùng bạn bè là “không biết sao mình yêu thương cu con thế mà nó không hiểu được lòng mẹ. Cu con làm mình thấy tổn thương ghê gớm đôi khi phản ứng thái quá với mẹ!”. Bạn bè cười chị là ủ con kỹ quá nên bị tác dụng ngược chứ sao! Đó là khi con thấy xấu hổ với bạn bè vì mẹ kèm cặp quá chặt nên xụ mặt “nghỉ chơi” mẹ. Thằng bé không phải ở ký túc xá bởi nhà gần trường nhưng nó thích chơi với các bạn ngoại tỉnh đến trọ học. Thỉnh thoảng, nó đến chơi cùng bạn bè hay bày tiệc liên hoan ở các phòng sinh viên nội trú chị H. cũng không yên tâm. Sợ con theo bạn bè xấu nên chị lặng lẽ theo dõi. Khi con trai phát hiện, nó đùng đùng nổi giận vì “mẹ can thiệp chuyện bạn bè của con làm con bực quá chừng”…

Tất tần tật mọi thứ có mẹ lo nên con trai chị H. sinh ra thói ỷ lại. Nó không làm việc nhà giúp mẹ bởi coi đó là chuyện đương nhiên, con trai vào bếp làm gì. Đã lớn tướng nhưng mỗi khi cần mua quần áo, sách vở, cậu cũng đi với mẹ. Mới đây nó còn nói chị H. mua nón vải đi chơi noel cho con thì mua luôn cho bạn gái của con nhé, con khỏi mất công đi cửa hàng lựa chọn…

Chị H. luôn coi con như lúc còn nhỏ dại hóa ra lại khiến chồng chị thấy “có vấn đề”. Chị H. kể, mới đây chồng chị cảnh báo tình hình “lét, gay” gì đó trong giới trẻ ngày một nhiều và “em coi chừng cách dạy con, cách cưng chiều con của mình”. Không biết chị H. có… thay đổi chiến thuật chăm sóc “cu con” không hay chị vẫn chưa cho con mình… trưởng thành!?

 

 NHƯ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên